Ăn dặm là giai đoạn quan trọng trong quá trình phát triển của trẻ, đánh dấu sự chuyển đổi từ thức ăn dạng lỏng (sữa) sang thức ăn đặc.
Đây có thể là khoảng thời gian vừa thú vị vừa khó khăn đối với cha mẹ vì đảm bảo con bạn nhận được các chất dinh dưỡng phù hợp là rất quan trọng cho sự tăng trưởng và phát triển của trẻ.
Trong bài viết này, mình chia sẻ 5 lời khuyên cần thiết để giúp bạn có hành trình ăn dặm tối ưu, suôn sẻ và hiệu quả cho bé.
Contents
1. Bắt đầu ăn dặm tối ưu đúng thời điểm
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến nghị nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trong sáu tháng đầu đời. Sau sáu tháng, bạn có thể bắt đầu cho trẻ ăn dặm trong khi tiếp tục cho con bú.
Đây là khuyến nghị chung mà có thể bạn đều thấy ở trong rất nhiều tài liệu hướng dẫn ăn dặm.
Trước khi cung cấp cho bạn một kinh nghiệm đơn giản khác, hãy cùng làm rõ lý do tại sao lại là sáu tháng?
Một là do nhu cầu dinh dưỡng: Sau 6 tháng, sữa mẹ không còn cung cấp đủ chất dinh dưỡng mà trẻ sơ sinh cần, đặc biệt là sắt và kẽm.
Hai là sự sẵn sàng phát triển: Ở độ tuổi này, hầu hết trẻ sơ sinh đều phát triển các kỹ năng thể chất cần thiết để ăn thức ăn đặc, chẳng hạn như bé có thể ngồi dậy với ít sự trợ giúp, và không còn phản xạ đẩy lưỡi (đẩy thức ăn ra khỏi miệng).
Đó là về mặt thời gian cụ thể. Nhưng còn một yếu tố khác bạn cần tính đến đó là mỗi trẻ có tốc độ phát triển rất khác nhau. Do đó thời gian bắt đầu cho con ăn dặm tối ưu khi trẻ 6 tháng nên hiểu là một khuyến nghị chung.
Đúng thời điểm= dễ dàng
Để mọi thứ suôn sẻ, bạn có thể hiểu đơn giản thế này: Đúng lúc là khi con bạn đã sẵn sàng ăn dặm. Nó có thể là một trong các dấu hiệu này:
Bé thể hiện sự quan tâm đến thức ăn của người lớn, chẳng hạn như với lấy thức ăn trên tay bố mẹ, người chăm sóc, bé ,
Bé có thể giữ đầu thẳng
Có thể ngồi vững với rất ít sự trợ giúp
và không còn phản xạ đẩy lưỡi…thì đây là lúc thích hợp để bạn có thể bắt đầu.
Bắt đầu cho con ăn dặm quá sớm (không theo chỉ định của bác sĩ vì lý do đặc biệt nào đó) hoặc quá muộn có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ. Vì vậy điều quan trọng là phải theo dõi những dấu hiệu này.
2. Hiểu đúng về sự đa dạng thực phẩm cho trẻ ăn dặm tối ưu
Một chế độ ăn đa dạng là quan trọng để phát triển một chế độ ăn uống lành mạnh và đảm bảo rằng con bạn nhận được tất cả các chất dinh dưỡng cần thiết.
Các bà mẹ đều hiểu tầm quan trọng của sự đa dạng. Mặt trái của sự hiểu biết này là họ tự tạo ra áp lực về sự đa dạng cho bữa ăn dặm của con. Và đây cũng chính là nguyên nhân dẫn đến những căng thẳng không đáng có ở thời điểm cho con ăn dặm.
Các phương pháp ăn dặm khác nhau cũng đưa ra những lời khuyên khác nhau. Ví dụ như có những phương pháp ăn dặm, thịt cá được đưa vào thực đơn ăn dặm của trẻ khá muộn, trong khi đây là lại nguồn cung cấp sắt chất lượng cao từ thực phẩm tự nhiên cần thiết cho sự phát triển của trẻ. Trong chế độ ăn dặm tối ưu dinh dưỡng kiểu Đức, trẻ có thể làm quen với thịt ở tuần ăn dặm thứ 4 trở đi để tận dụng các chất dinh dưỡng tốt từ thịt, cá…
Để có thể dễ dàng khi bắt đầu và phù hợp với thể trạng của bé, hãy bắt đầu với những thực phẩm dễ dung nạp, một thành phần và dần dần đa dạng hơn. Đó là công thức đơn giản nhưng hiệu quả để mẹ bắt đầu.
Nếu bạn quá áp lực về lượng ăn, chiều cao cân nặng của con, hiểu biết về dinh dưỡng và tâm lý ăn uống của trẻ sơ sinh là điều bạn chắc chắn cần tìm hiểu. Học tập hoặc nhận được sự trợ giúp từ người có chuyên môn và hiểu biết sẽ giúp bạn có được sự tự tin cần thiết khi cho con ăn, để thấy cho con ăn dặm là một hành trình nên có nhiều niềm vui. Bạn có thể tải Ebook Ăn dặm tối ưu dinh dưỡng kiểu Đức- phương pháp được khuyên bởi các chuyên gia hàng đầu để tìm hiểu thêm ở đây: TẢI EBOOK ĂN DẶM TỐI ƯU DINH DƯỠNG
3. Vậy thực phẩm nào cần được xem xét khi con bạn sắp bắt đầu ăn dặm tối ưu?
Rau: là thực phẩm lý tưởng để bắt đầu và thường được khuyên bởi các chuyên gia.
Lý do: chúng dễ dung nạp và dễ tiêu hóa. Các loại rau củ có vị ngọt tự nhiên như cà rốt, bí đỏ, bí ngòi… là những lựa chọn tuyệt vời để bắt đầu. Rau nên được nấu chín rồi xay nhuyễn và cho bé làm quen từ từ.
Trái cây: rất nhiều bà mẹ chọn bắt đầu cho con ăn bằng trái cây, tuy nhiên trong cách ăn dặm khoa học kiểu Đức, trái cây chỉ thích hợp khi trẻ đã làm quen với ăn dặm được một thời gian. Có nhiều lý do cho sự lựa chọn này như trái cây thường có vị ngọt đồng nghĩa nhiều đường, không tốt cho răng của trẻ. Chúng cũng có tính axit chưa phù hợp với hệ tiêu hóa còn non nớt của trẻ ở thời điểm bắt đầu.
Thực phẩm giàu chất sắt: Ngũ cốc chứa nhiều sắt như yến mạch, kê, thịt xay nhuyễn (thịt bò có hàm lượng sắt chất lượng cao) giúp ngăn ngừa tình trạng thiếu sắt. Hãy mở rộng thực phẩm ngũ cốc trong thực đơn ăn dặm của bé bằng cách bổ sung hợp lý các loại ngủ cốc trên.
Các loại đậu cũng rất thích hợp cho giai đoạn ăn dặm khi trẻ từ 9 tháng tuổi vì chúng cung cấp nhiều sắt thực vật. Giới thiệu quá sớm là không cần thiết vì các loại đậu giàu dinh dưỡng nhưng cũng khó tiêu, dễ gây đầy hơi cho trẻ.
4. Cách giới thiệu món ăn dặm tối ưu và khoa học
Lần lượt từng món một: Giới thiệu từng loại thực phẩm mới từ từ. Có thể lặp lại 3-5 ngày trước khi giới thiệu thêm món khác. Điều này giúp xác định bất kỳ dị ứng hoặc không dung nạp thực phẩm nào.
Kết cấu và hương vị: Giới thiệu theo nguyên tắc từ loãng đến đặc. Khi bé đã quen dần với ăn thức ăn đặc, hãy chuyển từ thức ăn xay nhuyễn sang thức ăn nghiền, cắt nhỏ và cuối cùng là những miếng thức ăn nhỏ mềm.
Dần dần giới thiệu các kết cấu và hương vị khác nhau theo từng tháng tuổi phù hợp giúp bé làm quen với thức ăn có trình tự và dễ thích nghi. Đây chính là ưu điểm của ăn dặm tối ưu dinh dưỡng kiểu Đức để đảm bảo sự phát triển toàn diện cho trẻ.
5. Duy trì cân bằng dinh dưỡng trong ăn dặm tối ưu
Đảm bảo một chế độ ăn uống cân bằng là rất quan trọng trong quá trình ăn dặm. Trong khi sữa mẹ hoặc sữa công thức tiếp tục cung cấp các chất dinh dưỡng thiết yếu, thức ăn đặc nên bổ sung các chất dinh dưỡng này để hỗ trợ sự tăng trưởng và phát triển của bé.
Ở giai đoạn ăn dặm, thức ăn sữa (sữa mẹ/ hoặc sữa công thức) và thức ăn dặm có tính chất bổ sung cho nhau. Nếu con đã ăn dặm tốt, việc cắt giảm dần các bữa ăn sữa từ từ là cần thiết hoặc ngược lại. Hiểu đúng điều này, bạn sẽ không còn áp lực khi con ăn dặm ít hoặc uống sữa ít hơn.
6. Ăn dặm tối ưu và an toàn là yếu tố hàng đầu
An toàn là điều tối quan trọng khi cho bé ăn dặm. Thực hành chuẩn bị và cho ăn đúng cách có thể ngăn ngừa các nguy cơ và đảm bảo trải nghiệm ăn uống tích cực.
Luôn quan sát bé trong khi bé đang ăn để có những hỗ trợ cần thiết.
Thức ăn nhỏ, mịn đảm bảo phù hợp hơn với bé ở những tuần mới bắt đầu.
Tránh thực phẩm nguy hiểm: Thực phẩm như nho nguyên quả, các loại hạt, bỏng ngô và kẹo cứng gây nguy hiểm nghẹt thở và nên tránh cho bé dưới 5 tuổi.
Thói quen sạch sẽ sớm: Tập cho bé rửa tay trước khi ăn là một cách để hình thành thói quen tốt từ bé, một dấu hiệu giúp bé nhận biết sắp đến bữa ăn. Các đồ dùng, ghế ăn và bề mặt cần được đảm bảo vệ sinh sạch sẽ trước khi cho bé ăn.
Bảo quản thức ăn: Các thức ăn tự làm cho bé cần được bảo quản trong hộp kín và để trong tủ lạnh ngay sau khi nấu xong, nếu bạn có ý định nấu nhiều một lần cho những lần sau. Chỉ sử dụng trong 24h hoặc để ngăn đá ngay để bảo quản lâu hơn. Bạn có thể tham khảo cách bảo quản thực phẩm ở đây:
Luôn kiểm tra nhiệt độ của thực phẩm trước khi cho ăn để tránh thực phẩm quá nóng có thể bị bỏng.
Bằng cách thực hành các nguyên tắc cho ăn an toàn, bạn có thể tạo ra một môi trường an toàn cho phép bé khám phá các loại thực phẩm mới mà không gặp rủi ro.
7. Khuyến khích việc tự ăn và khơi dậy tính độc lập
Các bà mẹ thường gặp áp lực khi lựa chọn hình thức ăn dặm cho trẻ là xúc cho con ăn theo cách truyền thống, hay để con tự ăn theo phương pháp bé ăn dặm tự chỉ huy.
Để bạn ít phân vân hơn, mình có thể chia sẻ với bạn điều này:
Dù là chọn hình thức xúc cho bé ăn hay để trẻ tự ăn, nếu bạn tạo điều kiện khuyến khích bé tự xúc ăn sẽ thúc đẩy sự độc lập và kỹ năng vận động ở trẻ. Nó cũng giúp trẻ học cách điều chỉnh các tín hiệu đói và no của chính mình.
Quan trọng là hiểu lý do cơ bản điều gì giúp trẻ học cách ăn uống độc lập và tìm ra cách bạn có thể tích hợp điều đó vào cuộc sống hàng ngày phù hợp là cách duy nhất để con bạn học được kỹ năng ăn uống độc lập về lâu dài, ăn uống trong vui vẻ, hạnh phúc từ nhỏ.
Trên đây là 7 lời khuyên giúp bạn cho bé ăn dặm hiệu quả và suôn sẻ hơn. Mình hy vọng nó hữu ích cho bạn. Hẹn gặp bạn ở bài viết tiếp theo trong các chủ đề ăn uống tích cực và dinh dưỡng tối ưu dành cho trẻ.
Leave a Comment