Bản năng an toàn trong ăn uống ở trẻ là một bản năng rất tự nhiên. Nếu bạn đã từng nghe đến bậc thang nhu cầu của Maslow, hẳn bạn cũng biết ngoài nhu cầu cơ bản: ăn, uống, ngủ, nghỉ thì con người cũng có nhu cầu cao hơn như an toàn, tôn trọng, danh tiếng…
Ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, các nhu cầu này chưa định hình rõ ràng như một người trưởng thành, nhưng dựa trên bản năng, trẻ cũng luôn muốn cảm thấy được an toàn, được thể hiện qua từng bữa ăn, giấc ngủ.
Hiểu rõ được bản năng này ở trẻ, sẽ giúp bạn dễ dàng đối mặt với các tình huống: Bé không chịu ăn dặm. Trẻ bỏ bữa không ăn hay bé biếng ăn phải làm sao? Hãy cùng xem bài viết dưới đây, để thấy câu trả lời cho bạn nhé.
Contents
1. Bé không chịu ăn dặm: 5 bí quyết giúp bạn cho con ăn bằng thìa thành công
Gần đây, một người bạn của mình tâm sự: cô đang cảm thấy bế tắc vì em bé của cô đã 6 tháng tuổi và bắt đầu ăn dặm, nhưng bé không chịu ăn dặm. Vì vậy, cô ấy làm một điều hiển nhiên: thử và thay đổi rất nhiều thực phẩm cho con. Nhưng việc này không suôn sẻ. Bất kể cô ấy chọn loại bột nào, thay đổi độ loãng – đặc ra sao, chỉ cần nhìn thấy chiếc đĩa trên bàn ăn là em bé bắt đầu khóc.
Mình có đưa ra lời khuyên cho cô ấy: Không phải em bé nào cứ đến 6 tháng tuổi đều nhất định phải ăn dặm. Khi bé không chịu ăn dặm, hãy dừng lại 1-2 tuần cho đến khi em bé của bạn thực sự sẵn sàng. Trước khi bạn gào lên, la hét, bóp miệng con và nhét cháo, hãy dừng lại một chút và suy ngẫm.
Thay vì “làm thế nào để con tôi chịu ăn“, hãy tự hỏi bản thân “Vì sao con tôi không muốn ăn?”. Nếu bạn đặt ra được câu hỏi này, ít nhất bạn cũng sẽ đến gần nguồn gốc của vấn đề, giúp bạn thay đổi tình thế mà bạn không nghĩ là có thể.
Bé không chịu ăn dặm phải làm sao? Nếu bạn muốn con mình ăn dặm dễ dàng ngay từ lần đầu tiên, bạn cần phải thực hiện từng bước theo những hướng dẫn dưới góc độ chuyên gia dưới đây.
Ngay cả khi bạn lần đầu tiên làm mẹ, thì nó cũng không quá phức tạp. Và nếu bạn đã từng cố gắng tiếp cận với nhiều thông tin hướng dẫn trước đó, thì bạn đã biết rằng đó không phải là điều bạn muốn thực hiện thông qua việc thử và sai.
Vậy hãy bắt đầu…
1.1 Bước 1: Đúng thời điểm là yếu tố quan trọng để bé ăn dặm thành công
Bạn có đồng ý, tất cả những thành công lớn đều bắt đầu từ yếu tố đúng thời điểm. Việc ăn uống của một đứa trẻ cũng như vậy. Nếu cha mẹ tôn trọng quá trình phát triển tự nhiên của con, mọi việc hiển nhiên trở nên dễ dàng.
Quay trở lại với vấn đề em bé cứ nhìn thấy đồ ăn là khóc. Nó chứng tỏ rằng em bé chưa thực sự sẵn sàng, mặc dù bé đã 6 tháng tuổi. Mốc thời gian chỉ là một căn cứ để cha mẹ để mắt tới. Không phải mọi đứa trẻ đều phải bắt đầu ăn dặm vào đúng 6 tháng tuổi, vì mỗi đứa trẻ có tốc độ phát triển rất riêng biệt.
Chưa có một giai đoạn nào trong cuộc đời mà thức ăn lại thay đổi nhanh như ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Việc chuyển từ thức ăn dạng sữa sang thức ăn bổ sung đối với một đứa trẻ là vô cùng mới mẻ. Vì vậy, tâm lý chung của rất nhiều trẻ có thể là sợ hãi. Đó là hội chứng Neophobia, mình đã từng có một bài viết rất dài về hội chứng này, bạn có thể tìm đọc lại.
Vậy đâu là cơ sở để bạn biết em bé đã sẵn sàng ăn dặm?
Có một vài dấu hiệu điển hình cho thấy bé đã sẵn sàng: bé đã có thể ngồi vững với rất ít sự trợ giúp từ cha mẹ. Bé có thể giữ đầu thẳng và lưỡi không còn phản xạ đẩy đồ ăn ra ngoài khi mẹ cho bé ăn thử. Ngoài các dấu hiệu khác, đây là những dấu hiệu quan trọng để bạn nhận biết em bé đã thực sự sẵn sàng cho hình thức ăn mới mẻ bằng thìa.
1.2 Bước 2: Hãy bắt đầu trò chơi với chiếc thìa
Nếu bạn chưa từng nghĩ đến điều này trước đây, thì đây là cách vô cùng khả thi để con bạn tiếp cận với một hình thức ăn mới.
Trong nhiều chương trình hướng dẫn cho cha mẹ tại Đức, các chuyên gia đã chỉ ra: cách tốt nhất để em bé thoải mái với việc ăn dặm là để bé được tiếp xúc với chiếc thìa trước đó một vài ngày. Điều này đặc biệt hiệu quả cho tất cả các em bé bước vào độ tuổi ăn dặm.
Để dễ hình dung hơn, hãy liên tưởng đến một tình huống trong thực tế. Các vận động viên trước khi đi thi đấu luôn có vài ngày tập luyện làm quen với sân bãi trước khi cuộc thi thực sự bắt đầu. Nguyên tắc này cũng dựa trên tâm lý tò mò và ưa khám phá ở trẻ.
Trẻ nhỏ thường học hỏi , lớn lên và trưởng thành thông qua thông qua trải nghiệm. Một em bé 6 tháng có thể đã biết quan sát hành vi của cha mẹ để bắt chước và học theo. Hãy để ý hoặc làm một phép thử. Có phải khi bạn chun mũi và mỉm cười với con, bé cũng có xu hướng mô phỏng lại hành vi của bạn?
Vì vậy, để thực hiện bước 2 này, đây là những việc bạn cần làm:
Trong bữa ăn cùng gia đình, khi em cùng cha mẹ quây quần bên bàn ăn, hãy đặt trên bàn ăn của bé một chiếc thìa và quan sát: bé có thích thú với lấy và chơi với nó?
1.3 Bước 3: Thực hành luôn tạo ra những bậc thầy.
Một bữa ăn với hai chiếc thìa, tại sao không?
Bước thứ hai này cực kỳ quan trọng, đó là lý do tại sao mình chia nó thành nhiều bước nhỏ hơn. Nhưng trước khi đi vào những bước nhỏ hơn, hãy để mình đưa ra một lời cảnh báo. Sử dụng một chiếc thìa mềm, chất lượng tốt để không làm con bạn bị đau là cần thiết. Với đặc tính ưa khám phá, việc bé đưa thìa lên miệng để gặm là chuyện hoàn toàn có thể xảy ra. Những trải nghiệm tồi tệ ban đầu với bé sẽ không bao giờ là một khởi đầu tốt đẹp.
Hãy lưu ý sự cảnh báo, và đây là cách hoàn thành bước này:
Bước 3.1 Khi bạn xúc cháo cho con, bé sẽ thường có xu hướng với lấy chiếc thìa. Đừng ngần ngại, hãy đưa cho bé chiếc thìa mà bạn đã chuẩn bị để bé làm quen. Trẻ con cũng thích lặp lại những gì cha mẹ chúng làm. Vì vậy, thực hành luôn tạo ra những bậc thầy ngay cả khi kĩ năng cầm nắm của bé chưa thành thạo.
Bước 3.2: Khi bé bận rộn với chiếc thìa, hãy dùng thìa còn lại để xúc cháo cho bé ăn. Nếu bé hứng thú với đồ ăn, bé sẽ tự động mở miệng khi mẹ đưa thìa lại gần. Thật thú vị, mẹ cũng có chiếc thìa giống hệt mình. Đó có thể là suy nghĩ từ con của bạn đấy.
Việc xóa tan cảm giác lạ lẫm cho trẻ rất quan trọng để đẩy lùi chứng sợ những điều mới lạ. Đừng quá lo lắng về việc chiếc thìa có thể khiến bé phân tâm.
Bước 3.3: Hình thức này cũng dẫn đến tình huống là bé sẽ bôi bẩn đồ ăn lên áo, bàn ghế. Nhưng đừng lấy làm phiền về việc dọn dẹp sau đó. Trải nghiệm của con bạn quan trọng hơn hay những bộ quần áo tinh tươm sạch sẽ quan trọng hơn?
Khi việc ăn uống của bé diễn ra khá suôn sẻ, hãy lưu ý điều quan trọng tiếp theo.
1.4 Bé không chịu ăn dặm phải làm sao? Không có những bữa ăn kéo dài vô thời hạn
Bước này đòi hỏi một chút bản lĩnh và kiên nhẫn của người làm mẹ.
Sẽ có những bữa ăn diễn ra không như ý bạn mong muốn. Đó là khi bạn đã đưa thìa lên miệng nhưng bé vẫn ngậm chặt miệng lại. Bạn có thể áp dụng một mẹo nhỏ ở bước này: dùng tay quệt nhanh một chút đồ ăn lên môi bé. Nếu bé phát hiện ra hương vị đồ ăn ngon, bé sẽ mong muốn được mẹ cho ăn.
Có những em bé mà hội chứng sợ thực phẩm mới diễn ra khá mạnh mẽ, bé thường có xu hướng từ chối đồ ăn ở những bữa đầu tiên. Nhưng với một chút kiên nhẫn và khéo léo từ mẹ, chắc chắn bạn sẽ giúp bé vượt qua được sự phản kháng đầu tiên này dễ dàng hơn.
Tình huống em bé đã ăn một vài thìa rồi ngậm chặt miệng lại, mặt ngoảnh đi, mẹ nên kết thúc bữa ăn và nhẹ nhàng nói với con: “xong rồi, con đã no, chúng ta kết thúc bữa ăn nhé”. Và bạn phải thực sự kết thúc bữa ăn bằng cách dọn bàn ăn. Cũng không nên có thêm một món đồ ăn nào sau đó cho tới giờ ăn tiếp theo.
Bước này quan trọng để giúp em bé học được tín hiệu kết thúc bữa ăn và không có sự thỏa hiệp. Nó cũng rèn luyện tính nhất quán từ cha mẹ, một yếu tố quan trọng để không hình thành một cuộc chiến tranh giành quyền lực mà chắc chắn bạn sẽ nắm nhiều phần thua hơn.
Như bạn có thể thấy, không khó để có thể giúp bé làm quen với việc ăn dặm – bạn chỉ cần hoàn thành quy trình từng bước bằng cách sử dụng các hướng dẫn của mình ở trên. Nhưng trước khi bạn bắt đầu, hãy để mình chia sẻ thêm với bạn một vài mẹo để giúp bạn đối mặt với những tình huống cụ thể khác có thể xảy ra.
Bé không chịu ăn dặm, hoặc bé ăn một lượng rất ít – hoàn toàn bình thường
Khi mới bắt đầu tập ăn, em bé của bạn cũng giống như những chú gà con, chỉ ăn vài hạt thóc rất bé nhỏ. Vì vậy, bé ăn một lượng rất ít khi bắt đầu là hoàn toàn bình thường. Trong khoảng thời gian đầu ăn dặm, làm quen cách thức ăn mới, hương vị thức ăn mới quan trọng hơn số lượng bé ăn được.
Tạo không gian ăn uống đầm ấm, những bữa ăn vui vẻ và đầy hứng thú là yếu tố quan trọng để bé tìm thấy niềm vui trong ăn uống.
Thức ăn có khả năng gợi nhớ và điều chỉnh tâm trạng. Nhiều năm về sau, con bạn vẫn có thể lưu giữ những ký ức tốt đẹp về những bữa ăn tràn ngập tình yêu thương hơn là chính bản thân món ăn.
1.5 Có thành công lớn cũng sẽ có những thất bại nhỏ
Ngày hôm qua, bé của bạn vừa ăn khá tốt, rất hứng thú. Ngày tiếp theo bé bỗng dưng ngậm chặt miệng và bé không chịu ăn dặm nữa. Đây là điều hoàn toàn bình thường trong tâm lý trẻ nhỏ. Đừng cố gắng ép bé ăn. Hãy tạm dừng 1 vài ngày rồi cho bé làm quen trở lại, mọi thứ sẽ trở nên tốt hơn ở những ngày tiếp theo.
Ép ăn chưa bao giờ tạo ra những kết quả tốt đẹp, nó là một trong nhiều nguyên nhân dẫn đến rối loạn hành vi ăn uống của trẻ thời thơ ấu về sau.
Bây giờ bạn đã biết cách để giúp em bé của bạn ăn bằng thìa không quá khó. Chỉ cần áp dụng những bí quyết mà mình đã chia sẻ trên đây, mình tin là cả bạn và bé đều sẽ có những trải nghiệm thú vị.
2. Bản năng an toàn trong ăn uống ở trẻ
Có mẹ từng hỏi mình: chị ơi em hỏi việc tế nhị. Làm thế nào để mỗi khi đi vệ sinh con không theo. Không thấy mẹ là con khóc. Em không có cách nào khác là phải bế con vào cùng.
Câu trả lời của mình là: chẳng làm thế nào khác được. Hồi trước mình cũng phải bế con vào nhà vệ sinh cùng suốt. Con mình cũng không chịu rời mẹ nửa bước.
Có mẹ nào mà khi đi vệ sinh chưa từng phải bế con vào cùng không? Mình tin là rất ít nếu bạn ở nhà một mình chăm con. Kể cả bạn có người giúp đỡ, việc con khóc đòi theo bạn lúc bạn cần xử lý nhu cầu tế nhị nhất là rất thường xuyên xảy ra. Tâm lý học gọi đây là bản năng cần an toàn của trẻ và tâm lý này đúng ngay cả với chuyện ăn uống của con.
Khi mời con một món ăn mới, không ít lần bạn cảm thấy thất vọng vì con từ chối ngay lập tức. Với mình điều này cũng diễn ra thường xuyên.
Món ăn đó là ngon, là bổ với người trưởng thành, vì chúng ta đủ ý thức để biết món ăn đó có những dưỡng chất gì. Còn với một đứa trẻ thì không. Con còn quá nhỏ để hiểu về dinh dưỡng. Vì vậy, trẻ chỉ chọn ăn những thức ăn quen thuộc. Sự quen thuộc đem lại cảm giác an toàn. Cũng giống như lúc con nhất định không rời bạn nửa bước vậy.
Điều này cũng giải thích cho bạn hiểu, vì sao con bạn chỉ mãi ăn một loại thức ăn trong một thời gian rất dài. Đơn giản là vì tính quen thuộc và trẻ cảm thấy an toàn. Do đó, nếu bạn cố ép buộc hoặc nài nỉ trẻ ăn một món ăn mới, bạn sẽ thường xuyên thất bại.
Thử áp dụng những mẹo nhỏ sau để thành công hơn khi bạn cần thuyết phục trẻ ăn.
2.1 Một là: chỉ mời con ăn thử 1 – 2 lần, nếu con từ chối hãy tôn trọng nhu cầu của con. Và đừng quên lặp lại, hãy mời lại con thức ăn đó ở những bữa ăn khác.
2.2 Hai là: câu nói “con ăn món này đi, nó bổ lắm” là một câu nói phản tác dụng. Hãy thử lời mời có tính ma thuật này: “món ăn này có vị rất ngọt (ngon…), con muốn thử một miếng nhỏ không?”. Sẽ rất ít đứa trẻ từ chối khi được mời thử 1 miếng ăn nhỏ. Nó cũng dựa trên quy luật tâm lý: trẻ luôn sợ ăn khi nhìn thấy một lượng thức ăn lớn trong đĩa.
Vì thế, một lượng ăn nhỏ, một miếng cắn nhỏ, một miếng cắn dù rất nhỏ nhưng tác dụng lại rất lớn. Ít nhất nó thuyết phục được trẻ muốn thử và tự khám phá ra hương vị tuyệt vời của món ăn.
Để vượt qua hội chứng sợ thực phẩm mới, trẻ cần ít nhất 8-10 lần thử. Sau khi vượt qua được cảm giác sợ hãi này sẽ dẫn đến tin tưởng và yêu thích để hình thành sở thích món ăn mới.
Hiểu được quy trình tâm lý này bạn sẽ giúp con khắc phục chứng kén ăn và biếng ăn. Hãy áp dụng thử và xem hiệu quả thế nào với con bạn nhé.
3. 8 nguyên tắc giúp bạn luôn đúng để duy trì một chế độ ăn uống lành mạnh cho trẻ
1.Duy trì chế độ ăn đa dạng đủ 4 nhóm chất
Với những trẻ mà sự phát triển là bình thường (không sinh non, không có bệnh hiểm nghèo), một chế độ ăn uống đầy đủ 4 nhóm chất: tinh bột, chất béo, chất đạm, vitamin và khoáng chất với số lượng hợp lý trong các bữa ăn là đủ để trẻ cao lớn, khỏe mạnh.
Những chất này có mặt ở hầu hết những thức ăn thông thường và đã được kiểm chứng là an toàn cho sức khỏe của trẻ.
2. Dinh dưỡng là mối quan hệ tổng thể
Thức ăn càng đa dạng trẻ càng hấp thụ được nhiều dưỡng chất.
Tuy nhiên có một điều cần lưu ý: trẻ mới bắt đầu ăn dặm không áp dụng nguyên tắc đa dạng thực phẩm, vì đây là thời điểm con tập làm quen với hương vị thức ăn mới. Tính chất lặp lại giúp trẻ chấp nhận thức ăn dễ dàng hơn và vượt qua hội chứng Neophobia.
Nếu thay đổi thức ăn liên tục trong những ngày con mới tập ăn, có thể làm trẻ bối rối, thậm chí là hoảng sợ và việc bé không chịu ăn dặm là hoàn toàn có thể xảy ra.
3. Mỗi loại thực phẩm đều có những giá trị riêng biệt
Trẻ không cần bất kỳ loại thực phẩm đặc biệt nào, chỉ cần thức ăn thông thường là đủ
Có đồ ăn với hệ tiêu hóa của người trưởng thành là tốt nhưng lại rất tệ với hệ tiêu hóa còn non nớt ở trẻ nhỏ. Vì vậy, những thực phẩm làm bạn tốn kém là hoàn toàn không cần thiết.
Mỗi thực phẩm đều có những giá trị dinh dưỡng nhất định nếu được sử dụng ở mức độ vừa đủ. Ngạn ngữ phương Tây có câu: “liều lượng làm nên thuốc độc”. Vì vậy ngay cả món ăn được coi là bổ dưỡng nhất cũng có thể trở thành độc dược nếu bạn lạm dụng chúng.
4. Ưu tiên sử dụng sản phẩm tại địa phương.
Lợi thế về khoảng cách và thời gian vận chuyển giúp thực phẩm giữ lại được nhiều dinh dưỡng nhất.
5. Sử dụng thực phẩm theo mùa
Đúng mùa, người trồng trọt không cần hoặc sử dụng rất ít hóa chất bảo quản, vì vậy chúng sẽ có lợi hơn cho sức khỏe.
6. Không phải tất cả các loại thức ăn đều có thể đun lại
Những loại rau có hàm lượng nitrat cao như củ dền, rau chân vịt… không nên được đun nóng lại 2 lần, vì có thể biến chất hoặc sản sinh những chất không có lợi.
7. Hạn chế thực ăn chiên ngập dầu
Thức ăn được chiên rán ngập dầu không nên được sử dụng thường xuyên. Tối đa là 1% chất béo chuyển hóa trong chế độ ăn hàng ngày để tránh các bệnh về tim mạch, mỡ máu…
8. Hãy tự nấu ăn cho con nhiều nhất khi bạn có thể
Chỉ có tự nấu ăn, bạn mới có thể kiểm soát được chất lượng, mức độ an toàn cũng như nhận biết được sở thích ăn uống của con.
Dinh dưỡng cho trẻ trong những năm đầu đời cần đặc biệt chú trọng vì đây là thời điểm con cần nhiều năng lượng và chất dinh dưỡng. Đó là lý do chế độ dinh dưỡng cần phải được tối ưu và có sự chọn lọc. Nếu vẫn băn khoăn và cần được giải đáp về một chế độ ăn dặm khoa học, tối ưu, cách ăn uống lành mạnh tốt cho sức khỏe, thì đừng ngần ngại đặt câu hỏi cho mình nhé.
Leave a Comment