Bữa ăn cho bé 11 tháng tuổi: Hướng dẫn trẻ cách hòa nhập với bữa ăn gia đình
Từ cuối tháng thứ 10, đầu tháng thứ 11, đã đến lúc em bé có thể dần tạm biệt cháo để làm quen với bữa ăn gia đình. Đây là thời điểm thích hợp để trẻ được ăn đồ ăn giống như cha mẹ, nếu bữa ăn được chuẩn bị theo hướng thân thiện với trẻ nhỏ.
Thông thường ở Đức và nhiều nước phương tây khác, giai đoạn ăn dặm của bé sẽ không kéo dài quá một tuổi. Từ cuối tháng thứ 10 trở ra các bé sẽ dần dần được làm quen với thức ăn gia đình. Các bữa ăn dặm, các bữa sữa dần được thay thế từ từ bằng các bữa ăn thật. Vì vậy khoảng cách giữa ăn dặm đến thức ăn của người trưởng thành cũng được rút ngắn. Đừng ngạc nhiên khi thấy em bé một tuổi đã có thể ăn đồ ăn giống cha mẹ một cách ngon lành và chủ động
Contents
Bữa ăn cho bé 11 tháng tuổi: Tạm biệt cháo để làm quen với bữa ăn gia đình
Về mặt sinh học, các kỹ năng vận động tinh của bé cuối 10 tháng tuổi đã có những bước phát triển vượt trội, bé có thể cầm cốc có tay cầm một cách chắc chắn. Bé cũng có thể đưa thìa lên miệng thành công hơn và thành thục hơn. Vị giác nhạy bén cũng giúp bé hình thành được món ăn yêu thích.
Có những bé có thể sử dụng thìa dễ dàng, nhanh chóng. Có những bé thì chậm hơn một chút vì mỗi trẻ là khác nhau. Nhưng nếu cha mẹ không có quá nhiều lo lắng, nếu cha mẹ sẵn sàng để con được trải nghiệm, chắc chắn bé sẽ học các thao tác này rất nhanh.
Nhai là một hoạt động thú vị và đem lại niềm vui . Bé cũng học cách ăn một cách độc lập nếu được cha mẹ tạo điều kiện. Dù bé chỉ ăn được một lượng rất nhỏ lúc đầu, đừng ngần ngại để con được thử nghiệm. Để con được chạm vào thức ăn theo cách mà con muốn: cầm, nắm, tự xúc. Vai trò của cha mẹ là hỗ trợ con khi cần thiết.
Ngay cả khi bé vất đồ ăn đi không có nghĩa là thức ăn không ngon. Hoặc bé muốn làm phiền bạn, mà là bé đang học cách khám phá.
Với những bé vẫn duy trì ăn cháo, hãy tăng độ thô cho món cháo bằng cách không xay nhuyễn đồ ăn.
Ví dụ như món cháo thịt khoai tây. Thay vì xay nhuyễn như trước đây, bạn chỉ cần dùng thìa dằm cho nhỏ bớt sẽ giúp trẻ học nhai đúng cách. Và bé có thể ăn ngày càng nhiều thức ăn của gia đình hơn.
9 nguyên tắc cơ bản để bữa ăn cho bé từ 11 tháng tuổi dễ dàng hòa nhập với gia đình
- Bữa ăn được chuẩn bị theo cách thân thiện với trẻ nhỏ: Không nêm muối mắm, gia vị cay nóng. Khi đồ ăn chín, hãy bỏ riêng phần ăn ra cho bé trước khi nêm gia vị
- Hạn chế các món ăn chiên rán nhiều dầu mỡ. Các món này thường có mùi thơm và vị hấp dẫn, có thể bé sẽ ăn được nhiều khiến cha mẹ vui. Tuy nhiên hãy cân nhắc về mặt sức khỏe, chỉ nên là món đổi vị, không nên là món ăn thường xuyên. Thông thường, dạ dày cần 2-7 tiếng để tiêu hóa hết lượng thức ăn mà chúng ta tiêu thụ.
- Ưu tiên những đồ ăn mềm dễ tiêu hóa. Thức ăn được cắt nhỏ hoặc dằm nhỏ. Chẳng hạn khi nấu món canh xương khoai tây cà rốt. Khi rau củ chín, hãy cắt nhỏ khoai tây,cà rốt cho bé.
- Thức ăn luôn phải được nấu chín. Vì vậy sẽ không có món trứng lòng đào hay các loại thức ăn sống nào khác.
- Bé nên ăn 5 bữa một ngày với ba bữa chính (sáng, trưa, tối) và 2 bữa phụ (sáng và chiều). Thời gian mỗi bữa ăn nên cách nhau ít nhất từ 2-3h.
- Tránh ăn vặt lắt nhắt vì đây là lí do để bé ăn ít trong bữa ăn chính.
- Đừng quên cho bé uống nước. Lượng nước khuyến nghị là khoảng 200ml/ ngày.
- Với những cha mẹ bận rộn, nên duy trì ít nhất một bữa ăn cùng con trong ngày.
- Ăn cùng nhau không chỉ quan trọng để no và học cách ăn, mà còn là sự gắn kết giữa các thành viên trong gia đình. Đặc biệt thái độ của bạn với thức ăn còn giúp hình thành thói quen ăn uống cho con bạn. Nếu bạn ăn uống một cách uể oải, chán chường, sẽ rất khó để em bé của bạn có niềm yêu thích trong ăn uống. Ngược lại, nếu bạn vui vẻ tự mình nếm thử những món ăn mới. Cách bạn thưởng thức sẽ khơi gợi trí tò mò ở trẻ. Nó có tác động mãnh liệt hơn là bạn yêu cầu bé ăn thử. Thử để ý xem, khi bạn ăn một món gì đó với những tiếng nhai tóp tép rất ngon, có phải bé thường có xu hướng với lấy tay mẹ nếu bạn đang bế bé?
Gợi ý một số món ăn phù hợp cho bé từ 11 tháng tuổi
1.Các món Việt
Nếu gia đình bạn thường xuyên ăn các món ăn rất thuần Việt, thì các món với cơm sau đây rất hợp cho bé ăn theo cùng bố mẹ:
- Cơm mềm với thịt băm xào/hấp
- Cơm mềm với trứng bác cà chua
- Cơm mềm và trứng đúc thịt, thịt cuộn lá lốt
- Bánh cuốn chay cũng là một lựa chọn tốt. Hãy lựa chọn nơi có bánh cuốn sạch. Đây là món ăn mà cả hai bé nhà mình đều rất thích hồi còn ở Việt Nam. Mình thường đặt bánh cuốn chay Gia An hoặc bánh cuốn tôm thịt.
- Các món rau ăn kèm nên ưu tiên các món canh nấu từ củ quả như canh bí, canh khoai…
Tham khảo thêm:
2.Món Tây
Ngoài ra, thỉnh thoảng mẹ hãy nấu món Tây đổi vị cho bé nhé. Có rất nhiều món Tây đơn giản mà đủ chất như:
Mì Ý: là một món ăn mà hầu hết các em bé ở phương tây đều ưa thích. Ngon miệng, đủ chất. Và là một món ăn có thể chiếm cảm tình ngay cả những em bé khó tính nhất.
Hãy chuẩn bị món ăn này theo cách đơn giản và có lợi cho sức khỏe như sau:
*Nguyên liệu:
- Hành tây
- Thịt bò/ lợn xay
- Cà chua
- Nấm tươi
- Rau: bí ngòi, cà rốt
- Mì Ý loại sợi nhỏ
*Cách làm
- Phần sốt thịt
- Cho 1 chút dầu vào chảo, phi hành qua cho thơm rồi thêm thịt vào xào cùng.
- Khi thịt săn lại thì cho thêm nấm tươi. Khi nấm đã tiết ra chút nước thì cho cà chua đã bổ múi vào đun cùng.
- Đậy vung, nhỏ lửa để cà chua chín nhừ trong khoảng 30p.
- Trước khi ăn cho thêm bí ngòi vào đun thêm từ 3-5p rồi tắt bếp. Thêm chút rau thơm( lá hương thảo/ húng tây). Bỏ riêng phần sốt cho bé rồi nêm gia vị như bình thường.
Mỳ Ý luộc theo hướng dẫn trên bao bì trong khoảng 8-10p
Bạn cũng có thể sáng tạo bằng cách thay mì Ý bằng các loại mì nui khác. Hoặc cơm, hoặc mì gạo. Có rất nhiều các loại tinh bột khác thay thế mà không nhất thiết phải là mì Ý.
Kết luận
Việc chuyển từ ăn dặm sang thức ăn cho trẻ mới biết đi không phải là một sớm một chiều. Đây là cả một quá trình và cũng có nhiều thách thức. Chìa khóa cho sự thành công vẫn là kiên nhẫn và hỗ trợ con bạn.
Leave a Comment