Trẻ nhỏ biếng ăn phải làm sao?
“Con ăn rất ít so với các bạn khác, em có nên lo lắng không?” là câu hỏi mình thường xuyên nhận đước khi tư vấn cho nhiều mẹ.
Con ăn rất ít, con cũng thường xuyên từ chối thức ăn. Việc này khiến bạn luôn có cảm giác là con ăn không đủ, con có thể bị đói và nhìn con bé hơn những đứa trẻ cùng trang lứa khác.
Nhẹ cân, thiếu chất… rất nhiều lý do khiến bạn lo lắng, bạn tìm cách ép trẻ ăn, hoặc cuống cuồng bổ sung các loại vitamin nhằm bù lại dinh dưỡng thiếu hụt cho con.
BÌNH TĨNH NHÉ!
Ngoài 1 tuổi cho đến khi trẻ lên 2, việc con rất ít hoặc từ chối nhiều thức ăn là điển hình. Thậm chí là với trẻ không chịu ăn dặm. Hãy giữ bình tĩnh nếu con ăn ít trong một khoảng thời gian ngắn. Trẻ cần ăn một lượng ít hơn chúng ta tưởng.
Contents
1.Con ăn rất ít, nguyên nhân vì sao trẻ biếng ăn
Theo bác sĩ Monika và nhà khoa học dinh dưỡng Ruth Rösch – Hiệp hội dinh dưỡng Đức việc thay đổi cảm giác thèm ăn ở trẻ là bình thường và có giai đoạn con ăn rất ít có thể có nhiều lý do khác nhau:
Có thể do món ăn không hợp khẩu vị với con lúc đó.
Con mệt hoặc có thể nhiễm bệnh các bệnh thông thường như viêm họng, sổ mũi…
Đồ chơi của con quan trọng với con hơn là thức ăn.
Nếu con đi mẫu giáo hoặc đã đi học ở trường, có thể con đang giận dỗi với bạn ở nhà trẻ hoặc trường học…
Hoặc đơn giản là tại thời điểm này, con không cần quá nhiều đồ ăn.
Tình huống khác, có trẻ đôi khi không chịu ăn hoặc con ăn rất ít vì con nhận ra rằng đây là cách con có thể gây áp lực cho bố mẹ để được chú ý nhiều hơn.
Cũng theo bác sĩ Monika Düngenheim
” Việc con ăn rất ít chỉ trở nên nghiêm trọng khi con bạn ăn quá ít trong một thời gian dài, thực sự nhẹ cân, có biểu hiện mệt mỏi, bơ phờ và không tập trung. Ngoài ra, nếu con thường xuyên đau ốm, thì bạn nhất định nên cho con đi khám bởi bác sĩ có chuyên môn.
Nếu bạn cảm thấy không thể chấp nhận được sự từ chối ăn uống của con mình, hãy tìm kiếm sự trợ giúp của chuyên gia hay các tư vấn y tế”.
2. Trẻ nhỏ biếng ăn phải làm sao (7 giải pháp hữu ích giúp khắc phục tình trạng con ăn ít)
Một vài thay đổi nhỏ trong thói quen ăn uống đôi khi sẽ giúp trẻ trở nên hứng thú với thức ăn hơn.
1. Chia nhỏ bữa ăn
Chẳng hạn thay vì cho trẻ ăn ngày 3 bữa với số lượng lớn, hãy chia nhỏ thành 5- 6 bữa/ngày, trong đó có những bữa ăn nhẹ lành mạnh hay chúng ta quen gọi là bữa phụ. Những trẻ ăn ít thường choáng ngợp trước lượng thức ăn khổng lồ. Chia nhỏ bữa ăn với lượng nhỏ đồ ăn sẽ giúp trẻ dễ chấp nhận đồ ăn hơn. Tránh ăn vặt và tránh tiêu thụ đồ ngọt.
Khoảng cách giữa những bữa ăn cũng không nên quá gần nhau. Mỗi bữa ăn cách nhau tối thiểu 2 -3h để dạ dày có thời gian tiêu hóa và tăng cảm giác đói.
2. Thiết lập những giờ ăn cố định, đều đặn
Cách này để định hình thói quen cho trẻ. Chẳng hạn bữa trưa bắt đầu vào lúc 12h, bữa tối lúc 6h…
3. Uống nước hợp lý
Không uống nước trước bữa ăn để tránh làm trẻ bị no, chỉ nên uống nước trong hoặc sau bữa ăn.
4. Nấu ăn cùng con và ăn uống cùng nhau
Bữa ăn sẽ trở nên hứng khởi và thú vị hơn khi con được cùng mẹ chuẩn bị bữa ăn. Khoa học đã chứng minh, việc để trẻ tham gia vào việc bếp núc cùng cha mẹ từ sớm mang lại nhiều lợi ích, phát triển các giác quan thông qua tiếp xúc với thực phẩm: khứu giác, vị giác, thị giác, thính giác…
5.Duy trì không gian ăn uống đầm ấm, vui vẻ
Tránh cãi vã, phàn nàn, chỉ trích trong bữa ăn. Người Việt có câu: trời đánh tránh miếng ăn. Trẻ em rất nhạy cảm. Nếu bầu không khí bữa ăn ngột ngạt, trẻ cũng sẽ không hứng thú với chuyện ăn uống.
6. Không ép trẻ ăn và tạo áp lực khi ăn
Khi con ăn rất ít hoặc không ăn. Tâm lý chung của các bà mẹ là lo lắng. Quá căng thẳng vì tình trạng biếng ăn kéo dài của trẻ và lo lắng cho sức khỏe của con nên vô hình chung cha mẹ hay tạo áp lực để con ăn. Tuy nhiên cách làm này không hiệu quả. Hãy tôn trọng nhu cầu của con, bạn và bé sẽ đi qua giai đoạn khó khăn này một cách nhẹ nhàng và tránh được tình trạng sợ ăn ở trẻ.
7.Chú ý đến thời gian vận động hợp lý cho trẻ
Một lối sống lành mạnh là sự cân bằng giữa ăn uống và vận động. Không nhất thiết phải là những gì quá phức tạp, cùng con đi bộ, đi dạo gần nhà đều đặn mỗi ngày còn giúp hình thành thói quen tốt. Vận động cũng giúp tăng cảm giác đói thúc đẩy sự thèm ăn.
8. Con bạn ăn bằng cả 5 giác quan
Ăn bằng mắt: đồ ăn bày trí hấp dẫn và bắt mắt cũng giúp tăng cảm giác ngon miệng. Hãy duy trì sự đa dạng màu sắc của các món rau củ. Nên có tối thiểu 3 màu rau trong bữa ăn. Sự đa dạng này còn giúp hấp thu các loại dinh dưỡng khác nhau.
3. 4 Nguyên tắc hạn chế tình trạng biếng ăn và giúp trẻ hình thành thói quen ăn uống tốt
3.1. Tạo thói quen ăn uống lành mạnh ngay từ đầu
Để tránh hiện tượng biếng ăn ở trẻ, bạn cần lưu ý tạo cho trẻ thói quen ăn uống tốt ngay từ nhỏ, theo thời gian con sẽ luôn ăn những thực phẩm lành mạnh. Các thực phẩm lành mạnh như rau củ tươi, ngũ cốc, hoa quả… Hạn chế tối đa đồ ăn công nghiệp như bánh kẹo, snack.
3.2. Ăn những thức ăn có ở trên bàn
Nguyên tắc này giúp trẻ bằng lòng với thức ăn bạn nấu. Có rất nhiều bà mẹ sẵn sàng lao vào bếp nấu ngay một món ăn yêu thích khác của con. Vì các bà mẹ đều có tâm lý chung sợ con không ăn sẽ bị đói. Tuy nhiên, hậu quả của việc đó là: con bạn vẫn không ăn sau khi bạn nấu món mới. Bạn thì buồn bực và con thì sẽ tạo được thói quen nuông chiều.
Trẻ con rất thông minh trong việc điều chỉnh nhu cầu ăn uống của cơ thể. Khi đói, con sẽ muốn ăn và dừng ăn khi đã no. Đây là bản năng hoàn toàn tự nhiên của trẻ nếu không chịu áp lực và tác động ép ăn từ bố mẹ.
3.3. Những thay đổi nhỏ mỗi ngày sẽ tạo ra những kết quả lớn
Nếu trẻ không thích hoặc thường xuyên từ chối một vài món ăn, hãy thuyết phục bé thử cắn một miếng nhỏ. Cách này đem lại hiệu quả khá tốt với những em thường xuyên từ chối đồ ăn mới hoặc ghét một món ăn nào đó.
Thực tế, bé thứ hai nhà mình thuộc tuýp ghét ăn rau. Một lần, khi nấu một món rau ngon, mình đã thuyết phục bé : con hãy thử một miếng nhỏ xíu thôi. Và bé đã dễ dàng đồng ý khi mẹ chỉ mời bé ăn một miếng nhỏ.
3.4. Áp dụng nguyên tắc đa dạng thực phẩm và đa dạng hình thức chế biến
Khi bạn nấu ăn với những hình thức chế biến phong phú, những thức ăn tươi ngon với những thực phẩm khác nhau sẽ tạo điều kiện để trẻ được tiếp xúc với nhiều loại thức ăn trên phổ rộng. Các hình thức nấu ăn mới mẻ giúp trẻ nhận biết hương vị, tính chất món ăn. Chẳng hạn cùng nguyên liệu là khoai tây, hôm nay bạn nấu món khoai tây nghiền, ngày mai có thể là món khoai tây nướng phủ phô mai. Sự đa dạng trong chế biến giúp trẻ nhận biết tính chất món ăn: món nào có vị giòn, món ăn nào có vị mềm…
Đây cũng là nền tảng để giúp trẻ cởi mở hơn, dễ dàng hơn khi làm quen với thức ăn mới. Nó cũng rất hữu ích trong trường hợp con bạn rất kén ăn, những thay đổi nhỏ, từng bước từng bước sẽ giúp ích. Chẳng hạn, thay vì cho con ăn cả miếng thịt, hãy chuyển thành món thịt viên mềm và dễ ăn hơn. Hoặc cũng có thể là một chút thịt băm trộn với cơm…
Có rất nhiều mẹo hay mà bằng trái tim yêu thương của một người mẹ cùng với sự quan sát tinh tế, bạn sẽ luôn biết cách điều chỉnh chế độ ăn uống cho phù hợp với con mình.
4. Những tuýp ăn uống điển hình ở trẻ và cách ứng xử
Mỗi trẻ lại có một thói quen ăn uống khác nhau. Việc nhận biết con mình thuộc tuýp ăn uống nào sẽ giúp bạn điều chỉnh cho phù hợp với nhu cầu ăn uống của con hơn. Cùng xem bé của bạn thuộc tuýp ăn uống nào nhé.
Tuýp Kỹ sư thận trọng
Minh ăn tất cả những thức ăn quen thuộc một cách dễ dàng. Mẹ cậu ấy cũng nói, các món ăn yêu thích của cậu là dưa chuột, cà rốt sống, các món mì và bánh mì. Cậu có thể ăn uống rất ngon miệng với những thức ăn này. Nhưng khi mẹ cậu giới thiệu một thức ăn nào đó mới, cậu sẽ ngay lập tức từ chối nó.
Mình cũng đã chứng kiến, rất nhiều lần khi mình và mẹ cậu nấu những món châu Á cùng nhau, Minh sẽ không ăn cơm, bún, phở – những món ăn châu Á lạ lẫm với cậu.
Điều này cũng trái ngược với thói quen thưởng thức ăn uống từ mẹ cậu. Nhưng không khó hiểu vì bố cậu rất khiếp sợ mùi tỏi mỗi khi chúng mình xào rau muống hay ăn mắm tôm. Và dĩ nhiên, nỗi sợ này cũng được di truyền từ ông nội, một người không thích những món ăn lạ lẫm, hoặc có mùi quá đặc trưng.
Hương vị là yếu tố được hình thành từ nhỏ và cũng mang dấu ấn di truyền. Trẻ thường không thích các thức ăn mà bố hoặc mẹ chúng cũng có xu hướng tránh né.
Nên ứng xử như thế nào với tuýp trẻ thận trọng?
Bạn cần rất nhiều thời gian và sự kiên nhẫn cho đến khi trẻ học được cách yêu thích hương vị mới. Thức ăn quen thuộc sẽ mang lại cảm giác an toàn. Hãy áp dụng mẹo nhỏ là trộn một lượng nhỏ thực phẩm mới trong các món ăn yêu thích của trẻ, hoặc có thể xay nhuyễn chúng trong các món cháo, súp.
Cũng đừng quên có những bữa ăn vui vẻ cùng nhau, cho con thấy sự ăn uống đa dạng từ gia đình bạn trong bữa ăn. Theo thời gian, những đứa trẻ thận trọng sẽ trở lên bạo dạn và cởi mở hơn.
Tuýp cỗ máy phân loại
Lam và Hải có kiểu ăn khá giống nhau. Chúng thường ăn mỳ Ý với pho mát mà không có nước sốt cà chua, ăn bánh mì chỉ phết bơ mà không có mứt, hoặc chỉ ăn thịt trong món thịt hầm mà không ăn nước hầm có rau củ… Hai bạn này thích tách tất cả những thức ăn riêng biệt và thưởng thức chúng một cách riêng lẻ.
Nên ứng xử như thế nào với trẻ thích phân loại đồ ăn?
Những trẻ thích phân tách thực phẩm thường là những trẻ có khẩu vị khá rõ ràng và mạnh, chúng thích cảm nhận hương vị riêng biệt của món ăn. Cách làm tốt nhất là hãy để con thưởng thức các món ăn ở dạng chế biến nguyên bản nhiều hơn và nên nêm gia vị nhẹ nhàng.
Tuýp không thích rau và hoa quả
Nam không thích tất cả các loại rau có màu xanh. Cậu thường từ chối ngay lập tức các món rau hoặc tất cả những thứ gì có màu xanh, hoặc có liên quan đến rau và hoa quả.
Làm thế nào với tuýp trẻ ghét rau?
Thông thường, trẻ nhỏ thường ăn một lượng rất ít rau củ quả. Mặc dù đây là những thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất, nhưng nếu trẻ chỉ từ chối trong một thời gian/ giai đoạn, cha mẹ không nên nhìn nhận đó là vấn đề quá lớn.
Cố tình ép trẻ ăn rau thông thường sẽ tạo ra nhiều sự đối đầu ở trẻ. Cách tốt nhất là hãy giới thiệu thường xuyên các loại rau củ hoa quả một cách tự nhiên trong bữa ăn và không cần quá quan tâm đến sự từ chối của trẻ.
Cũng có thể thay đổi các hình thức chế biến đa dạng khác nhau như các món cháo, súp, nước sốt hoặc các món hoa quả trộn sữa chua… Và thử với các màu sắc khác nhau của rau. Có những trẻ không thích rau màu xanh nhưng các loại rau có màu sắc thú vị khác như màu tím của củ dền, màu trắng của súp lơ… cũng là một lựa chọn để thử.
Tuýp Chim sẻ
Mai ăn như một chú chim sẻ con, cô bé chỉ nhón một chút đồ ăn, ăn rất chậm và như lời mẹ bé kể thì cô thường chỉ ăn rất ít trong tất cả các bữa ăn.
Có thể làm gì với tuýp chim sẻ?
Thông thường đây là tuýp khiến các cha mẹ lo lắng nhiều nhất. Áp lực về chiều cao cân nặng khiến cha mẹ đứng ngồi không yên khi con ăn ít và thường cố gắng tìm mọi cách dỗ dành để con ăn dù chỉ là với một lượng nhỏ. Nhưng đây là cách làm không hiệu quả
Nếu cân nặng không có sự sụt giảm nghiêm trọng và con bạn hoàn toàn vui vẻ, năng động trong các hoạt động vui chơi, con không cần phải ăn nhiều hơn.
Nhu cầu ở trẻ là rất khác nhau và có những trẻ mà dạ dày của chúng chỉ có thể chứa được một lượng thức ăn rất nhỏ. Trẻ con cũng rất nhạy cảm trong việc nhận biết nhu cầu ăn uống của bản thân. Chúng biết khi nào mình muốn dừng ăn và ăn bao nhiêu. Vì vậy hãy tôn trọng nhu cầu của trẻ.
Điều quan trọng là chỉ nên giới thiệu các bữa chính, không cần thêm các bữa ăn phụ hoặc đồ ăn ngọt cần phải loại bỏ, không có đồ ăn khi con đang chơi và không có ép ăn hoặc thuyết phục con phải ăn.
Tuýp Bò con
Quang 18 tháng tuổi, thường hay nhai thức ăn trong miệng, nhả chúng ra rồi sau đó lại ăn lại. Hiện tượng này thường được lặp lại. Vì thế mẹ Quang thường xuyên hướng dẫn cậu cách ăn cho đúng
Ứng xử thế nào với tuýp này
Hiện tượng này diễn ra khá nhiều ở trẻ với các độ tuổi khác nhau, thông thường là từ 1-2,5 tuổi. Đôi khi có thể do vấn đề răng miệng nhạy cảm, hoặc cũng có thể do trẻ có vấn đề với thức ăn như quá rắn, quá to…
Thực ra đây thực sự không phải là tuýp ăn uống điển hình, mà chính xác hơn là một hiện tượng ăn uống diễn ra trong một thời gian ở trẻ, sau đó sẽ mất đi. Tuy nhiên vì hiện tượng này khá phổ biến ở nhiều bé nên mình liệt kê thêm vào đây.
Cách làm là hãy kiểm tra xem có phải trẻ đang gặp khó khăn với thức ăn và cần được giúp đỡ như làm nhỏ hơn, đồ ăn mềm hơn hoặc một hương vị món ăn khác.
Nếu hiện tượng này thường xuyên diễn ra và các yếu tố khác đã được loại bỏ. Bạn cần hướng dẫn con cách ăn đúng bằng cách là hình mẫu dạy con tập nhai.
5.Kết luận
Thông thường có rất nhiều lý do để trẻ ăn uống không như chúng ta mong muốn. Vì vậy cha mẹ cần quan sát con với một thái độ cởi mở và thân thiện để tìm ra vấn đề thực sự đằng sau hành vi ăn uống của một đứa trẻ là gì? Do mệt mỏi, do vấn đề răng miệng, do muốn gây sự chú ý, do không đói… Nếu hiểu rõ nguyên nhân thực sự của trẻ, bạn sẽ luôn tìm ra cách ứng xử với con tốt nhất.
Con bạn thuộc tuýp ăn uống nào trên đây? Hãy cùng chia sẻ những kinh nghiệm hay mà bạn từng áp dụng hoặc bạn có khó khăn muốn được giúp đỡ thì đừng ngần ngại để lại bình luận để mình giải đáp giúp bạn nhé.
Leave a Comment