Làm thế nào để con chịu ăn khi không có tivi và Ipad?
Một lần, khi đến nhà bạn thăm con ốm, mình chứng kiến cảnh cô ấy cố gắng đút từng thìa cơm cho con ăn, trong khi đứa trẻ vẫn đang dán mắt không rời khỏi màn hình tivi.
Đứa bé ăn nhưng dường như không biết rằng mình đang ăn vì tâm trí đứa trẻ đang ở tận đâu trong những thước phim hoạt hình. Bạn mình không biết đến điều đó, cô vẫn kiên nhẫn xúc đều đều cho con ăn. Cô sợ con đói vì trước đó con vừa nôn trớ rất nhiều. Ăn được vài thìa, con lại tiếp tục nôn hết những gì mẹ vừa vất vả xúc cho con ăn. Nhưng dù sao thì vẫn tốt hơn là không, vì nếu con không ăn, con sẽ đói.
Sợ con đói là tâm lý chung của rất nhiều bà mẹ. Tâm lý này là hoàn toàn bình thường. Nhưng tiếc thay, ít người bình tĩnh ngồi xuống tìm hiểu xem nguyên nhân vì sao con không ăn để giải quyết tận gốc rễ vấn đề, mà chỉ tập trung vào tìm cách để con chịu ăn. Bật tivi điện thoại để con chịu ăn cũng là một giải pháp hữu hiệu của nhiều cha mẹ.
Tác hại của những hình thức ăn thụ động này, bạn biết rõ phải không? Chỉ là bạn không đành lòng để con bị đói.
Những đứa trẻ ăn trước màn hình tivi và điện thoại, chúng đang ăn nhưng thực chất không phải là ăn.

Gulia Enders, một bác sĩ trẻ tài năng người Đức đã viết trong cuốn sách “Darm mit Charm” nổi tiếng của cô ấy như sau:
“Mỗi căng thẳng sẽ kích hoạt các dây thần kinh ức chế quá trình tiêu hóa của chúng ta, kết quả là chúng ta không nhận được ít hơn năng lượng từ tivi mà còn làm cho đường ruột căng thẳng hơn”. (Ăn trước tivi không phải là một hình thức thư giãn như chúng ta thường nghĩ)
Khi việc ăn uống phụ thuộc vào tivi và Ipad, nếu bạn tắt tivi, bữa ăn sẽ ngay lập tức biến thành nhà hát với những tiếng gào khóc như xé vải. Bạn mủi lòng thương con nên lại bật tivi để con chịu ăn. Cứ như vậy, một vòng luẩn quẩn bắt đầu. Con chỉ ăn nếu tivi được bật.
Nếu con bạn chỉ ăn trong khi bị phân tâm và không để ý, có điều gì đó không ổn trong việc cho trẻ ăn. Trước khi có thể tìm ra những giải pháp để trẻ thoát khỏi tình trạng ăn thụ động này, đây là những điều bạn cần biết trước tiên:
Contents
1.Một đứa trẻ chỉ không chịu ăn khi
Trẻ còn no vì ăn quá nhiều giữa các bữa ăn.
Trẻ từng bị ép ăn, không có quyền quyết định mình được ăn bao nhiêu, không được quyền ngừng ăn kể cả khi đã no. “Ăn hết bát cháo của con” luôn là mục tiêu của các bà mẹ, bạn liên tục xúc cho con ăn kể cả khi trẻ đã có dấu hiệu muốn ngừng ăn. Khi các tín hiệu bão hòa bị bỏ qua, một lúc nào đó trẻ sẽ sợ ăn, hoặc chống đối bằng cách không ăn.
Giờ giấc bữa ăn không nhất quán, lúc sớm, lúc muộn.
Trẻ không được phép có tiếng nói trong việc lựa chọn các món ăn.
Không có bầu không khí ấm cúng khi ăn, mỗi bữa ăn đều trải qua áp lực, căng thẳng.
Có quá nhiều yếu tố phiền nhiễu, phân tâm: sự hấp dẫn của đồ chơi, tiếng ồn từ tivi, điện thoại…
2.Bản chất của việc bật tivi để con ăn ẩn chứa nỗi sợ hãi của tất cả những ai làm cha mẹ: Con tôi không ăn, tôi sợ con đói
Lý do bạn bật tivi để con ăn có phải vì bạn lo con không ăn sẽ đói? Ngay cả khi bạn biết rằng, dùng tivi để dỗ trẻ ăn có nhiều tác hại.
Hầu hết tất cả cha mẹ đều lo lắng con mình ăn ít, ăn kém, đây là tâm lý hoàn toàn bình thường. Nhưng không nên để nỗi lo lắng biến thành áp lực và căng thẳng. Đói và khát là bản năng, một đứa trẻ khỏe mạnh bình thường sẽ ăn khi chúng đói và không ăn khi vẫn còn no.
Nếu bạn bỏ qua các cảm giác thông thường ở trẻ, không ngừng lo lắng vì sợ trẻ bị đói mà ép con ăn “ứa nước mắt”, thì việc đối mặt với các chứng rối loạn ăn uống ở trẻ sẽ là ngày không xa.
Vì vậy, trước khi nghĩ đến bật tivi để con chịu ăn, hãy học cách hiểu đúng nhu cầu ăn uống của trẻ.
3. Làm thế nào để con chịu ăn khi không có tivi và Ipad (cách thiết lập lại thói quen ăn uống lành mạnh cho trẻ)
Làm thế nào để biến cuộc chiến tại bàn ăn thành những bữa ăn nhẹ nhàng? Không có giải pháp nhiệm màu nào ngoài chính bạn:
1.Tạo ra bầu không khí ăn uống ấm áp và dễ chịu cho trẻ và không bị áp lực thời gian. Ăn uống nên là một trải nghiệm và có nhiều niềm vui. Vì trong bữa ăn, trẻ cũng học được rất nhiều điều từ bàn ăn: các kỹ năng vận động tinh được phát triển, cách ăn cùng nhau và cách cư xử trên bàn ăn. Do đó, bầu không khí tích cực tại bàn ăn gia đình là một nền tảng tốt để giúp trẻ phát triển những kỹ năng này.
2.Tránh các yếu tố gây phân tâm và phiền nhiễu khi ăn: không có điện thoại, tivi trước bàn ăn hoặc trong tầm mắt của trẻ. Nếu con không muốn ăn, hãy tôn trọng con. Cha mẹ cũng không cần biến thành những chú hề để dụ con ăn dù chỉ là thêm một miếng cháo nhỏ.
3.Đừng bao giờ ép trẻ ăn. Những đứa trẻ càng trải qua nhiều cảm giác tồi tệ khi ăn càng trở lên ít ăn và kén ăn. Thay vào đó hãy mời con những phần ăn nhỏ vì trẻ thường choáng ngợp trước những phần ăn lớn. Và học cách chấp nhận khi con từ chối một món ăn nào đó.
4. Thỉnh thoảng bạn cũng có thể tạo ra môi trường giao lưu giữa những đứa trẻ: cho con ăn cùng với các bạn cùng độ tuổi. Trẻ nhỏ thường ganh đua và học nhau cách ăn. Đây cũng là một cách hữu hiệu để trẻ có thể dần quên chiếc điện thoại.
4. Kiên nhẫn đối diện với tình huống căng thẳng: làm gì nếu con khóc khi bạn tắt tivi hoặc không có điện thoại để ăn?
Một thực tế là nếu bạn không bật tivi ngay từ đầu, chắc chắn bạn sẽ không phải đối mặt với tình huống khó khăn này. Khi trẻ đã có thói quen ăn trước tivi, nó giống như một sở thích đã được hình thành. Thử nghĩ xem bạn có gào lên không nếu ai đó tước đi thứ yêu thích của bạn?
Vì vậy, nếu đã trót tạo cho trẻ thói quen không lành mạnh, không có cách nào khác là sửa sai và chấp nhận để trẻ mè nheo khóc lóc. Để vượt qua cơn thịnh nộ của trẻ, bạn cần phải kiên nhẫn và giữ bình tĩnh. Khi trẻ đã bình tĩnh lại, đừng ngần ngại ôm con vào lòng, cũng có thể cùng con ra ngoài đi dạo để thay đổi không khí và bữa ăn chỉ thực sự bắt đầu khi trẻ sẵn sàng.
Thái độ và cách ứng xử của cha mẹ đối với trẻ rất quan trọng. Dù thật khó để chịu đựng tiếng gào khóc của một đứa trẻ đang nổi giận. Nhưng nếu bạn bình tĩnh, kiên quyết mà không nhượng bộ, sớm muộn gì trẻ cũng học được cách chấp nhận ăn mà không có tivi. Đặc tính của trẻ nhỏ là rất nhanh quên, hãy dựa trên đặc tính này để “sửa chữa” sai lầm của cha mẹ. Vì không có một đứa trẻ khỏe mạnh nào có thể để mình chết đói chỉ vì khi ăn mà không có tivi. Chúng ta không nên tạo ra những nguyên tắc khắt khe, nhưng có những giới hạn mà trẻ cũng cần phải học nếu nhận được sự chỉ dẫn bằng tinh yêu thương và sự kiên nhẫn của cha mẹ.
Điều cuối cùng nhưng quan trọng nhất: cần phải có sự nhất quán giữa các thành viên khác trong gia đình, nếu bạn không bật tivi để con ăn, những thành viên khác cũng cần hành động giống như vậy. Nếu không, cả bạn và con sẽ không bao giờ có thể thoát khỏi vòng luẩn quẩn này.
Leave a Comment