Trong hành trình làm cha mẹ. Đã bao giờ bạn từng đối mặt với vấn đề trẻ bỏ ăn, trẻ biếng ăn và kén ăn? Đã bao giờ bạn rơi vào trạng thái bế tắc. Không biết mình phải làm gì để thoát khỏi vòng luẩn quẩn này. Những giải pháp từ chuyên gia sẽ giúp bạn khắc phục tình trạng biếng ăn của trẻ
Contents
1. Trẻ biếng ăn phải làm sao: câu chuyện chung của các bà mẹ
(Con tôi không ăn. Tôi thực sự bế tắc và hết cách rồi)
” A, a…há miệng nào, rất ngon đấy con ăn nào”.
Giọng bà mẹ ngọt ngào, cố gắng dỗ đứa trẻ ăn cháo. Đây là món cháo cô nấu lần thứ ba trong một buổi sáng. Nhưng lần nào thằng bé cũng chỉ ăn một thìa đầu tiên rồi lại thôi.
Chán nản, cô đưa thìa cháo lên miệng nếm thử. Ngon ngọt thế này, hôm nay cô đã đổi sang vị cua béo ngậy rồi. Nghe lời mẹ chồng, cô còn cho thêm tí ti mắm nữa cho đậm đà. “Con ăn nhé, ngon lắm”. Cô hào hứng đưa thìa cháo ra mời lại con, ánh mắt tha thiết, nài nỉ, đầy hy vọng. Nhưng ngay khi thấy chiếc thìa lại gần, thằng bé quay phắt mặt đi hướng khác.
Thằng bé xanh xao thật, cô nhìn con, nỗi thất vọng dâng trào, ngực quặn thắt lại. Cả sáng chưa ăn gì. Vậy mà nó thậm chí không thèm liếc món ăn ngon lành này đến một lần.
Bỗng dưng, một luồng khí nóng từ lồng ngực cứ dâng lên, không kiểm soát được. Cô kéo mạnh mặt con quay lại nhìn mình. “Có ăn không thì bảo, mất cả tiếng trời đi đi vào vào để nấu đấy mày biết chưa”. Hai hàm răng nghiến chặt lấy nhau, giọng cô gần như rít lên.
Thằng bé bất giác rụt người lại. Nó ngơ ngác nhìn mẹ, nhưng vẻ mặt vẫn bướng bỉnh.
Cộp. Chiếc thìa rơi xuống nền nhà khô khốc. Cô ôm lấy đầu. Lời mẹ chồng còn vang vang đâu đây. “Xem thế nào, chứ thằng bé còi và xanh xao quá, tôi xót. Hay chị nấu không ngon nên nó chê. Nhìn con cái Trang xem, béo mũm mĩm. Không chịu ăn thì đè ra cho ăn. Vào tay nó, có mà ăn hết. Chăm con phải khéo. Chứ ở đó mà bày đặt khoa với chả học. Đến lúc nó suy dinh dưỡng thì trắng mắt ra”.
Hai lỗ tai cô bắt đầu lùng bùng như có cả đàn ong vò vẽ bay qua. Mắt cô hằm hằm nhìn thằng bé “ Nào, há miệng, há miệng nào”. Mỗi tiếng lần tiếng ” nào, nào” thốt ra, là một lần cô bóp lấy hai má con. Miệng thằng bé tròn như chữ O. Cô xúc liên tiếp những thìa cháo đổ vào miệng nó. Nâng cằm, ngửa cổ lên cho cháo trôi xuống họng. Thằng bé giãy dụa, tay vung loạn xạ, nước mắt giàn dụa van nài mẹ dừng lại
Cô không nhìn thấy gì nữa. Hôm nay nhất định con phải ăn hết chỗ này. Mẹ không thể là người mẹ chăm con tồi được. Không thể, không thể, không thể…bát cháo đã vơi đi gần nửa.
Phì, phì…mặt cô hứng trọn một dòng chất lỏng phun ra từ miệng con. Tất cả chỗ cháo cô vừa ép thằng bé ăn giờ be bét trên mặt và quần áo cô. TRời ơi là trời, có phí công không. Cô tiếc công mình đã cho con ăn hết gần được nửa.
Thế này thì quá lắm. Bốp, bốp… cô thẳng tay giáng liền hai cái tát vào mặt thằng bé. Tay cô đau rát. Đầu óc quay cuồng, trống rỗng.
Cô ngồi im bất động không biết bao lâu. Cô không nghe thấy gì nữa. Cho đến lúc có ai đó lay lay vai cô rất mạnh. Cô tỉnh mộng, trở lại với thực tại. Con cô vẫn đang oằn mình khóc trên tay bà hàng xóm. Nó gào như xé vải. Trên má là vệt lằn ba ngón tay còn đỏ lựng. Cái má đáng yêu mà ngày ngày cô vẫn thơm lấy thơm để và nói” Mẹ yêu con”.
Giờ thì thế nào, cô nhìn xuống tay mình. ” Trời ơi. Tôi có phải con quỷ không”. Cô ôm mặt, gào lên đau đớn. Cô hốt hoảng đón lấy thằng bé từ tay bà hàng xóm. Ôm chặt lấy nó, khóc nức nở. “Con ơi, con ơi, mẹ xin lỗi, mẹ sai rồi”. Hai hàng nước mắt rơi lã chã, thấm ướt cả vai con. Cô nhìn bà hàng xóm qua làn nước mắt:
” Hai tuần nay, nó chẳng chịu ăn gì bà ạ. Con kiệt sức rồi bà ơi. Con phải làm thế nào bây giờ? ”
2. Làm thế nào để trẻ hết biếng ăn. Hãy giúp tôi – có phải là lời cầu cứu của bạn?
Mệt mỏi và kiệt sức vì tình trạng biếng ăn, kén ăn của con. Bạn làm tất cả theo hướng dẫn. Đổi món ăn mỗi ngày, trang trí bắt mắt, giãn khoảng cách giờ ăn…. Áp dụng đủ mọi cách mà không thể thay đổi tình thế.
Bạn lo lắng đến mất ngủ. Đôi mắt thâm quầng lại vì nhiều đêm gần như thức trắng. Hàng xóm. Bạn bè. Thậm chí cả người thân trong gia đình cũng nói bạn cần thay đổi cách chăm con. Không ăn thì nhét cho ăn, cứ chiều con thế nó hư là đúng còn kêu gì.
Nhìn những đứa con béo mập nhà hàng xóm, bạn dần suy nghĩ lại. Bắt đầu tự oán trách bản thân. Có lẽ họ nói đúng, mình đúng là người mẹ chưa tốt, người mẹ chăm con vụng về. Bạn đau đớn kết luận khi xung quanh là những mũi nhọn bủa vây lấy mình.
Làm thế nào bây giờ, có ai giúp bạn trả lời câu hỏi này. Hãy cùng đọc tiếp câu chuyện thứ hai ở một nước phương Tây xa xôi.
3. Quy tắc là thứ đặt ra để thực hiện, nó không thể bị bẻ gãy
Một buổi sáng mùa hè, những đứa trẻ đã ăn xong và chạy đi hái những quả dâu chín mọng. Riêng Tôm vẫn mắc kẹt lại trên bàn ăn và dõi ánh mắt thèm thuồng nhìn theo.
“Các anh của mình đang ăn những quả dâu thật ngon lành. Mình cũng thích được chạy nhảy và được ăn dâu. Nhưng mình vẫn phải ngồi lại ở đây. Là vì mình chưa ăn hết những diềm bánh mì dai ngoách này. Mình nhất định sẽ không ăn hết vì mình chưa bao giờ thích nó”.
Cuộc đối đầu này của Tôm chống lại quy tắc mà bố mẹ cậu đã đề ra. “Luôn ăn hết thức ăn ở trên đĩa của con”
Nhưng giờ thì Tôm quyết sẽ ngậm chặt miệng lại. Mặc kệ bố tiếp tục đưa miếng bánh mì về phía cậu. “Nếu con không ăn hết thì con sẽ không được ăn dâu” mẹ nghiêm mặt nói với Tôm.
“Nếu con không….thì con sẽ không được…” Tôm luôn sợ câu nói này nhất. Bởi sau đó sẽ là một đặc quyền yêu thích của cậu bị tước đi. Và câu nói ấy thực sự đã phát huy tác dụng. Tôm đang trệu trạo nhai chỗ bánh còn lại. “Mình muốn được ăn dâu và nô đùa cùng các anh”.
Tôm ăn hết như bố mẹ nói để được đi chơi. Nhưng dần dần, Tôm bắt đầu thấy sợ đồ ăn. Cậu không còn thấy nó có mùi thơm ngon gì nữa. Mỗi lúc đồ ăn dọn ra bàn, cậu chỉ thờ ơ nhìn chúng, gảy gảy vài miếng rồi đứng dậy. Cậu không quan tâm đến việc bố đang quắc mắt nhìn cậu.
“ Nếu con không ăn thì con không được xem tivi nữa. Nếu con không ăn thì con không được mua đồ chơi nữa…” Cậu cũng không còn thấy sợ khi mẹ nói câu này. Bởi cậu không thể nuốt được. Những thứ mà chỉ nhìn thôi, bụng cậu đã cồn cào như muốn nôn ra rồi. Những thứ cậu sẽ tống vào miệng, nó có mùi thật kinh khủng.
Một hai tháng như thế, bố mẹ dần nhận ra, có điều gì đó không bình thường ở Tôm. Trong trạng thái có phần hoảng loạn, họ đưa con đến gặp chuyên gia trị liệu. “ Bé Tôm đang bị chứng rối loạn hành vi ăn uống” là kết quả mà chuyên gia thông báo. Hai bố mẹ nhìn nhau bối rối. Họ thực sự không hiểu tại sao điều đó lại có thể xảy ra với con mình. Họ đã luôn chăm con rất tốt.
Đây là một trong nhiều tình huống có thật được chuyên gia dinh dưỡng của mình kể lại.
Cô nói. Không có gì khó khăn hơn khi điều trị cho những đứa trẻ bị rối loạn hành vi ăn uống. Hầu hết, các cha mẹ cũng đều không thể tin được, nguyên nhân lại xuất phát từ chính họ. Từ những quy định mà họ đề ra với mục đích giáo dục con mình tốt hơn.
“ Ăn hết thức ăn có ở trên bát/đĩa của con” là một thứ quy định khủng khiếp. Nó làm hỏng hành vi ăn uống tốt đẹp của con bạn. Cô kết luận. Đáng tiếc là quy định này còn đang tồn tại ở rất nhiều gia đình. Trong một hình thức khác. Cố gắng cho con ăn hết bát cháo bằng mọi cách cũng có sức tàn phá tương đương.
Ép ăn và tạo áp lực để con ăn chưa bao giờ đem lại kết quả tốt đẹp. Ngược lại, chúng là thủ phạm chính của chứng rối loạn hành vi ăn uống thời thơ ấu ở trẻ.
Làm thế nào để trẻ không rơi vào tình trạng biếng ăn, kén ăn kéo dài. Làm sao để không xảy ra hậu quả đáng tiếc với con cái của bạn. Hiểu rõ nguyên nhân được phân tích từ chuyên gia dưới đây sẽ giúp cha mẹ tránh được sai lầm.
4. Nguyên nhân sâu xa hình thành chứng biếng ăn ở trẻ
4.1. Nỗi lo cho sức khỏe của trẻ là nguyên nhân khởi phát của mọi vấn đề
Lo lắng cho sức khỏe của trẻ là lý do chính đáng nhất để mẹ sợ con gầy đói. Nỗi hoảng sợ càng tăng lên khi trẻ rơi vào tình trạng biếng ăn. Căng thẳng kéo dài, nhiều cha mẹ có xu hướng tạo áp lực để trẻ chịu ăn.
Ở các nước phương tây, nơi hiếm có những trận đòn roi. Sức ép được tạo ra bởi lời nói hoặc hình phạt. Chúng cũng là một thứ bạo lực tinh thần để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng.
Ở các nước châu Á, hiện tượng này có thể trở lên tồi tệ hơn với những gia đình nhiều thế hệ.
Nhiệm vụ hết bát cháo phải được hoàn thành là động cơ để bố mẹ, ông bà bỏ ngoài tai tiếng la hét phản đối của trẻ,“ không ăn thì nhét cho ăn”.
4. 2. “ Ăn hết thức ăn có ở trên bát/đĩa của con” là một thứ quy định cần được phá bỏ
Khi đặt ra quy định này, hầu hết các cha mẹ đều có mục đích tốt đẹp. Mong là giáo dục con biết coi trọng thức ăn. Tuy nhiên, ít ai nhận thấy. Mặt trái của nó lại thể hiện bản chất thực sự của hai vấn đề và tạo ra hậu quả:
Trẻ không được quyền quyết định khi nào muốn dừng ăn
Ăn uống dưới áp lực, ăn uống không còn là niềm vui.
Những cuộc điều trị tâm lý sau đó cho trẻ, là hậu quả mà nhiều cha mẹ vẫn đang phải đối mặt.
5. Giải pháp hữu ích giúp cha mẹ cùng con vượt qua khủng hoảng
5.1. Trẻ được quyền quyết định khi nào mình ăn no
Trong những giai đoạn được coi là thách thức. Sự phát triển tâm lý học đã mô tả rõ tính độc lập (tự chủ). Tính muốn được khẳng định, được coi trọng của trẻ . Khi được tôn trọng và tự mình đưa ra quyết định. Trẻ có thể dần dần học hỏi lúc mới biết đi. Học cách chịu trách nhiệm về hành vi ăn uống của mình sau này.
Vì vậy, cha mẹ có trách nhiệm cung cấp thực phẩm cân bằng. Con có quyền quyết định mình ăn bao nhiêu.
Nguyên tắc này cùng với sự đồng cảm từ cha mẹ là yếu tố quan trọng. Để bạn cùng con vượt qua các giai đoạn thách thức( khủng hoảng) dễ dàng hơn. Nó có giá trị cho trẻ ở mọi lứa tuổi.
“Trẻ cần được tôn trọng và được quyền quyết định khi nào chúng ăn no” vì thế đã trở thành thông điệp được truyền đạt mạnh mẽ nhất ở Đức.
Đây cũng là nỗ lực nhằm thay đổi nhận thức của cha mẹ. Dạy trẻ học ăn- hơn bao giờ hết luôn phải bắt nguồn từ giáo dục dinh dưỡng tích cực.
5.2. Chú ý đến những dấu hiệu giúp cha mẹ kết nối với con sâu sắc hơn
(Hiểu con là yếu tố giúp bạn ngăn ngừa chứng biếng ăn ở trẻ)
Có một nghịch lý. Khi sự quan tâm, lo lắng trở lên thái quá. Cha mẹ thường sẽ bỏ qua những tín hiệu mà trẻ phát ra. Mặc dù những tín hiệu đói no thường được phát triển rất tốt. Chúng cũng liên quan mật thiết đến cảm giác thèm ăn ở trẻ.
Và cảm giác này là khác nhau mỗi ngày. Nó được phát đi ở một vùng của vỏ não và quá trình trao đổi chất trong cơ thể. Điều này giải thích việc có những đứa trẻ vài ngày ăn rất ít. Nhưng chúng cũng có xu hướng ăn bù ở những ngày sau đó.
Cảm giác thèm ăn chỉ cũng chỉ hoạt động tốt nếu cha mẹ để con được quyền quyết định khi nào thì con no.
Biểu hiện quay mặt đi khi thức ăn được đưa đến miệng là một dấu hiệu. Nó chỉ cho cha mẹ biết. Con đã ăn đủ. Hãy chú ý và tôn trọng dấu hiệu này. Trẻ nhỏ cũng có ngôn ngữ riêng nếu cha mẹ đặt vào đó sự thấu hiểu.
5.2.1 Biểu hiện khi trẻ đói:
Trẻ có hiện tượng mệt mỏi, quấy, mất tập trung.
Há miệng trước khi thìa chạm vào môi hoặc hướng mặt về phía thìa( ở trẻ ăn dặm)
5.2.2 Các dấu hiệu cho thấy trẻ đã no:
Trẻ có tốc độ ăn chậm hơn, quay đầu hoặc người sang hướng khác.
Trẻ chơi với đồ ăn, tỏ ra thoải mái tức là đã có cảm giác no.
Trường hợp trẻ không muốn ăn, từ chối đồ ăn( sau khi ăn thử). Cha mẹ cần phản ứng bình tĩnh và tôn trọng trẻ. Kết thúc bữa ăn một cách rõ ràng. Dứt khoát: dọn bát đĩa ăn, lau miệng cho trẻ để trẻ học tín hiệu kết thúc bữa ăn.
Tuyệt đối không áp dụng các biện pháp trừng phạt. Chẳng hạn cấm trẻ ăn món ăn yêu thích khi trẻ không ăn uống đúng như kỳ vọng
5.3. Hiểu rõ về cơ chế hoạt động của cơn đói là bí quyết giúp bạn nuôi con khỏe mạnh
3.1 Trong hoạt động nghiên cứu “Hành vi ăn uống- Đói”. Các bác sĩ của báo Dinh dưỡng Đức đã đưa 3 giả thiết về cơn đói.
Ba giả thiết đó là cơn đói được điều tiết bởi 3 yếu tố. Dạ dày, thông qua sự trao đổi chất của tế bào, điều chỉnh bởi các vùng não.
Trong đó giả thiết về cơn đói phát sinh từ dạ dày được chứng minh là không phù hợp. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng: các cơn co thắt từ chiếc dạ dày rỗng không ảnh hưởng đến quá trình đói và no.
Hai yếu tố còn lạ. Các quá trình trao đổi chất và hoạt động của não là những yếu tố quan trọng gây ra cảm giác đói và khát.
Nghiên cứu này đặc biệt có ý nghĩa giúp cha mẹ giải tỏa tâm lý. Tại sao có những đứa trẻ chỉ ăn một lượng rất ít nhưng vẫn có thể chạy nhảy cả ngày.
Giải pháp dành cho cha mẹ có những đứa trẻ thường xuyên ăn ít là: hãy chú trọng vào chất lượng món ăn thay vì số lượng.
Thức ăn có chất lượng sẽ làm quá trình trao đổi chất hoạt động tốt hơn. Cũng có tác dụng thúc đẩy cơn đói hình thành. Ví dụ: sử dụng các thực phẩm giàu dinh dưỡng như họ nhà đậu, các loại ngũ cốc khác nhau. Đừng chỉ chỉ sử dụng các sản phẩm từ gạo.
Ngoài ra, ở bài viết “Chú ý đến cảm giác Đói- No”. Đăng trên báo Sức khỏe đời sống của Đức cũng đề cập như sau:
Khả năng tự điều chỉnh năng lượng ăn vào thông qua cảm giác đói- no và để thích ứng với lượng thức ăn theo nhu cầu sinh lý (tự điều chỉnh) là bẩm sinh. Rõ rệt nhất ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.
Chú ý đến các tín hiệu của trẻ mới biết đi. Phản ứng với chúng một cách thích hợp có thể tăng cường khả năng tự điều chỉnh. Ngăn ngừa sự phát triển của bệnh béo phì. Áp lực để ăn thứ gì đó có thể cản trở khả năng này
Như vậy kết luận này cũng chỉ ra cho thấy: trẻ tự biết mình ăn bao nhiêu là đủ. Cha mẹ đóng vai trò hỗ trợ và giúp đỡ trẻ. Hiểu rõ cơ chế hoạt động của cơn đói. Nhận biết tín hiệu đói- no. Để trẻ được quyết định khi nào mình ăn no. Làm đúng những điều này cha mẹ ít phải đối mặt với chứng rối loạn ăn uống ở trẻ.
KẾT LUẬN
Cải thiện tình trạng biếng, kén ăn chưa bao giờ là dễ dàng nếu chúng ta đi nhầm hướng.
Lo lắng cho sức khỏe của trẻ. Căng thẳng khi tình trạng không được cải thiện. Bạn ép trẻ ăn, tạo áp lực để con theo ý mình. Đó cũng là cách lựa chọn thể hiện sự bế tắc, bất lực. Mình tin là bạn đã không vui vẻ gì khi phải chọn nó. Bởi tất cả các cha mẹ luôn muốn dành những điều tốt nhất cho con mình.
Tuy nhiên, nếu chúng ta chăm sóc trẻ dựa trên sự tôn trọng, đồng cảm, và thấu hiểu. Mình tin là bạn sẽ cùng con vượt qua những giai đoạn thách thức dễ dàng hơn. Giáo dục dinh dưỡng cho trẻ luôn phải dựa trên nền tảng tích cực của tình yêu thương.
Leave a Comment