Nhiều cha mẹ thường khá lúng túng, nhiều căng thẳng, lo lắng khi con mình có lúc ăn ít, ngủ ít, thường xuyên quấy khóc, mè nheo. Nếu đang có một em bé như vậy ở độ tuổi dưới 14 tháng, bài viết này dành cho bạn
Contents
1.Tại sao trẻ thường có các giai đoạn quấy khóc, ngủ kém, ăn kém?
Theo các nghiên cứu khoa học, từ 0- 14 tháng đầu tiên của cuộc đời, trẻ thường trải qua 8 giai đoạn tăng trưởng vượt bậc.
Có nhiều bài viết cho rằng tăng trưởng vượt bậc có nghĩa là trẻ có sự phát triển nhảy vọt về chiều cao, cân nặng. Cách hiểu này là chưa chính xác.
Thuật ngữ tăng trưởng vượt bậc ở đây cần hiểu: không phải là trẻ đột ngột phát triển nhanh hơn về chiều cao cân nặng, mà là phát triển một bước trong não bộ. Chính xác hơn thuật ngữ này nên được hiểu là sự thúc đẩy tăng trưởng (theo nhà báo Barbara Schniebel)
- Trẻ có được các kỹ năng mới trong nhận thức (nhận biết thế giới quan qua màu sắc, âm thanh… từ môi trường xung quanh, biết lạ với người lạ…) ,
- Trong làm quen và kiểm soát cơ thể mình tốt hơn (phát triển vận động – cử động co duỗi bàn tay, đạp chân, cầm nắm, tập lẫy, tập bò, tập đứng…)
- Hoàn thiện các cơ quan cảm giác.
Tất cả những kỹ năng mới này ảnh hưởng đến toàn bộ hành vi của bé, có thể gây ra các xáo trộn hoặc quá tải. Sự xáo trộn và quá tải này thường được trẻ biểu hiện hành vi ra bên ngoài như mệt mỏi, hay quấy khóc, ngủ kém, ăn kém, hoặc ăn nhiều hơn…
Hầu hết các em bé đều phải trải qua các giai đoạn tăng trưởng này, vì nếu không có nó, tức là sự phát triển đang ngừng lại.
Có những em bé có thể vượt qua giai đoạn tăng trưởng một cách bình thường, êm đềm, nhưng có những em bé phải “vật lộn” với sự thay đổi.
“Một em bé có tinh thần mạnh mẽ gặp nhiều khó khăn hơn đáng kể so với một em bé bình tĩnh”. (Hetty van de Rijt & Frans Plooij).
Sau khi đọc bài viết này, hãy thử quan sát xem bạn đang có một em bé bình tĩnh hay có một em bé có tinh thần mạnh mẽ nhé. Nếu bạn thường xuyên phải “vật lộn” cùng các giai đoạn phát triển của con, thì bạn biết em bé của mình ở trường hợp nào rồi.
Hầu hết các bà mẹ thường ở tâm trạng lo lắng và không thể hiểu được con mình. Bạn chẳng thể hiểu được con vừa mới ăn tốt được vài ngày thì vài ngày sau đó lại khác đi. Con đang là một em bé vui vẻ thì bỗng chốc lại quấy khóc.
Thật ra, nếu nắm được thông tin về các tuần tăng trưởng vượt bậc của trẻ, bạn có thể sẽ không phải trải qua tâm trạng tồi tệ, sẽ bình tĩnh hơn và ít lo lắng hơn khi cho rằng có điều gì đó bất thường ở con.
Tất nhiên, không loại trừ các dấu hiệu liên quan đến ốm sốt cũng cần được để ý hoặc cũng có thể trùng hợp với các giai đoạn con mọc răng. Nhưng nếu các yếu tố bệnh lý được loại trừ, thì hãy thở phào vì con bạn đang ở trong những bước tiến mới. Dù sự vui vẻ này đôi lúc không dễ dàng cho lắm.
Các tuần tăng trưởng vượt bậc của trẻ thường là tuần thứ 5, 8, 12, 19, 26, 37, 46, 55. Thử tính xem con bạn đang ở tuần thứ bao nhiêu,
Lưu ý: Thời gian này chỉ là giá trị trung bình thống kê, có thể không tương ứng với mọi em bé vì mỗi bé có tốc độ phát triển riêng và thời điểm sinh khác nhau. Chẳng hạn: tuần tăng trưởng vượt bậc của em bé sinh sớm 2 tuần sẽ khác với tuần tăng trưởng của em bé sinh muộn sau 2 tuần.
Ở tuần tăng trưởng thứ 19, hãy chú ý cho con bạn ăn sữa nhiều hơn so với thông thường vì đây là giai đoạn các bé thường phát triển mạnh mẽ và cần nhiều dinh dưỡng. Và hãy chú ý đến các dấu hiệu nhận biết dưới đây
2. Các dấu hiệu điển hình giúp bạn nhận biết trẻ sắp ở giai đoạn tăng trưởng vượt bậc
Một vài dấu hiệu dưới đây giúp cha mẹ quan sát và nhận biết trẻ đang hoặc sắp ở trong giai đoạn tăng trưởng để chuẩn bị “tinh thần”:
- Bé quấy, mệt mỏi và hay khóc
- Trẻ ngủ kém, khó ngủ, ngủ không yên hoặc đột ngột ngủ nhiều hơn
- Bé quấn mẹ, thích bế.
- Tâm trạng thay đổi đột ngột: đang vui có thể trở nên quấy mè nheo hoặc ngược lại
- Bé đói nhanh hơn hoặc có thể ăn ít hơn, hoặc không thèm ăn.
- Trẻ mút ngón tay cái nhiều hơn hoặc cần ti giả thường xuyên.
Sau các giai đoạn này, nhịp sinh hoạt của bé có thể trở lại bình thường. Ví dụ như nếu trước đó bạn thấy con ăn ít, thì sẽ có những ngày sau đó con ăn uống tốt hơn để bù lại, nếu con ngủ kém hơn thì giờ cũng sẽ ngủ ngon hơn…
3. Cha mẹ nên làm thế nào khi trẻ sắp bước vào hoặc đang ở trong các giai đoạn tăng trưởng?
- Điều cần nhất là sự gần gũi và quan tâm từ cha mẹ để trẻ có được cảm giác an toàn và dám học hỏi cái mới.
Theo cô Benita Wintermantel: “Sự gần gũi ở đây nghĩa là được tiếp xúc nhiều về thể chất, ôm ấp và xoa dịu em bé của bạn, để bé cảm nhận được rằng: “có mẹ ở đây bên con”.
Điều chỉnh theo nhu cầu của bé và đừng vội chán nản, mất kiên nhẫn hay tuyệt vọng ngay cả khi sự ôm ấp vỗ về của bạn cũng không đủ để xoa dịu em bé. Bởi vì điều quan trọng là sau mỗi một giai đoạn phát triển em bé của bạn sẽ cho bạn thấy, bé phát triển thêm được những kỹ năng mới nào”
- Ngoài ra, hãy thường xuyên chơi với con, dành thời gian ở bên con là cách tốt nhất giúp trẻ học hỏi và trải nghiệm.
Có thể những điều này đôi lúc khiến bạn cảm thấy quá sức, vì vậy hãy nhờ sự trợ giúp của người thân chơi với bé những lúc bé vui vẻ để bạn có thời gian nghỉ ngơi.
- Riêng trong chuyện ăn uống, hãy bình tâm và không nên quá căng thẳng nếu bỗng dưng con bạn không hứng thú với thức ăn so với những ngày trước đó.
Có bà mẹ nói rằng thật khó để có thể bình tâm khi con không chịu ăn. Nhưng giữa một bên là tâm trạng vui vẻ, chấp nhận một vài ngày con ăn ít rồi sau đó sẽ tốt lên, với một bên là ép con bạn ăn để cả mẹ và con đều khủng hoảng nhiều ngày sau đó. Bạn chọn cách nào?
Đây vốn là một bài viết trong chương trình dinh dưỡng đồng hành cùng Hong Rosa, hôm nay dành tặng cho quá nhiều các bà mẹ đang ở trong tâm trạng căng thẳng vì con không chịu ăn. Mong rằng bạn đã tìm thấy câu trả lời.
4. Một ví dụ về giai đoạn tuần 46-47
- Đặc điểm: bé dễ nổi giận, mau nước mắt. Tò mò và thích được tự thử nghiệm.
- Thời điểm này trẻ thích được học hỏi. Trẻ nhận ra rằng để làm được cái gì đó phải tuân theo một trình tự nhất định mới thành công. Nó chính là quá trình thử và lặp lại. Nếu bạn tạo cho trẻ cơ hội được trải nghiệm, con sẽ học được một kỹ năng mới rất nhanh.
- Ví dụ: đây là thời điểm lý tưởng để giúp trẻ học tự xúc ăn. Khi giúp trẻ học tự xúc ăn với không áp lực, trẻ sẽ nhận ra: học cách để có thể xúc thức ăn bằng thìa, cần phải theo trình tự: thìa phải được xúc vào cơm, sau đó đưa lên miệng rồi tự ăn.
- Quá trình “thực tập” này cần lặp lại nhiều lần với sự kiên nhẫn của cả bé và cha mẹ. Bởi chỉ khi bé có thể tự mình trải nghiệm cách cầm thìa để thức được đưa vào miệng, chúng mới có thể học cách ăn một cách độc lập.
- Thời điểm này con tập đi, cũng sẽ rất thích leo trèo. Chú ý đến con và kiểm tra môi trường xung quanh các yếu tố an toàn, nhưng cũng không nên quá hoảng hốt hay kìm hãm con quá.
- Ngoài ra, hãy chơi với con nhiều hơn.
Các trò chơi với đồ bếp sẽ rất tốt cho con. Ví dụ khi bạn làm bánh, hay nấu cơm, hãy cho con tham gia cùng: hãy cho con 1 đồ vật gì đó để tập nấu cùng mẹ: chẳng hạn như 1 chiếc xoong với 1 cái thìa. Bạn sẽ rất ngạc nhiên về khả năng “nấu ăn” của con.
Trò chơi này vừa kích thích sự phát triển não bộ, vừa giúp con sớm có tình yêu với bếp núc và ăn uống. Ngoài ra bạn cũng có thể có chút thời gian nấu ăn thảnh thơi cho mình.
Hoặc chơi trò nặn bột. Nhào ít bột mì khô khô cho con chơi, như vậy còn an toàn hơn đất nặn. Có thể mua 1 số form nặn bánh cho con tập ấn xuống cũng rất vui.
Kết luận
Làm cha mẹ là một hành trình nhiều niềm vui nhưng đôi lúc cũng không dễ dàng. Nhưng nếu bạn luôn đặt yêu thương vào đó cùng với sự bình tĩnh và kiên trì, mọi chuyện luôn trở lên dễ dàng hơn. Các thông tin và số liệu trong bài viết mang tính chất tham khảo giúp bạn bình tĩnh hơn chứ không phải áp lực hơn.
Quellen: Wachstumsschub Baby: Alle 8 Entwicklungsschübe im Überblick, Barbara Schniebel
Leave a Comment