(Giúp bạn tăng sức đề kháng cho bé và gia đình)
Ăn gì khi trẻ ốm sốt? Dinh dưỡng cho trẻ nhỏ ốm sốt nên áp dụng thế nào để trẻ mau hồi phục?
Khi còn ở nhà, mình thường chứng kiến cảnh các bà mẹ nuôi con nhỏ đau đầu chuyện con ốm sốt.
Ngay bản thân mình, cũng đã từng quen mặt với các bác sĩ ở viện vì tần suất đưa con đến khám quá nhiều. Có cả những lần đưa con đi viện khám trong đêm, đi hết từ viện này sang viện kia. Quãng thời gian này thật không muốn nhớ lại. Vì vậy mà mình luôn có một sự đồng cảm sâu sắc với nỗi lo lắng của những người mẹ khi con ốm.
Contents
1.Nguyên nhân gây ốm sốt
Vào mùa đông, sức đề kháng của cơ thể thường giảm sút do thiếu nắng mặt trời, là điều kiện thuận lợi để vi khuẩn sinh sôi. Vì vậy, cần tăng cường sức khỏe từ bên trong, cân bằng dinh dưỡng để đối phó với yếu tố ngoại cảnh này.
Các chuyên gia khuyên bạn nên có một chế độ dinh dưỡng lành mạnh cho trẻ và cho gia đình vào mùa đông tăng sức đề kháng cho cơ thể.
Nếu bạn thường xuyên ốm là dấu hiệu báo động của cơ thể cho thấy sức đề kháng đã bị giảm sút. Ăn uống không đầy đủ dưỡng chất, thời tiết thay đổi khiến tình trạng mệt mỏi kéo dài và dễ dàng bị tấn công bởi virus.
Ngoài ra, các yếu tố ngoại cảnh như: mật độ sống dày, không khí ô nhiễm, vệ sinh không đảm bảo dễ bị lây nhiễm chéo… cũng là nguyên nhân gây bệnh.
Bài viết này, chia sẻ với bạn cách áp dụng dinh dưỡng cho người ốm sốt, sẽ giúp ích cho bạn và gia đình trong mùa dịch.
Tham khảo: Top 4 món ăn tăng sức đề kháng mùa lạnh
2.Nguyên tắc ăn uống khoa học cho người ốm sốt (ăn gì khi trẻ ốm sốt)
Thông thường khi ốm, chúng ta thường có thói quen nấu các món ăn bổ dưỡng để mong mau lại sức. Tuy nhiên, cách làm này chưa khoa học vì khi ốm sốt, hệ thống miễn dịch phải khổ sở vật lộn chống chọi với mầm bệnh. Vì vậy nếu áp dụng một chế độ ăn giàu chất sẽ làm khả năng hồi phục lâu hơn.
- Nghỉ ngơi hợp lý, uống nhiều nước, lượng ăn ít những ngày mới ốm sẽ có giá trị giúp cơ thể hồi phục nhanh.
- Với những người ốm sốt, tiêu chảy, nôn… tình trạng mất nước nhanh khiến cơ thể bạn suy nhược, mệt mỏi. Cách ăn uống khoa học giúp cơ thể mau hồi phục chính là tăng cường các thức ăn ở dạng loãng, nhiều nước. Các thức ăn dễ tiêu hóa như cháo từ gạo/ yến mạch hoặc các món súp rau củ.
- Tăng cường các thực phẩm nhiều vitamin như rau củ và hoa quả. Nước ép rau và nước ép quả pha loãng là thức ăn phù hợp.
- Cách uống nước ép hoa quả đúng là nên pha loãng theo tỷ lệ 1:3 (1 phần nước ép, 3 phần nước). Tỉ lệ này giúp bạn cung cấp lượng đường vừa phải trong trường hợp bạn bị nôn, tiêu chảy. Với trẻ nhỏ, nguyên tắc này còn giúp trẻ em tránh các bệnh về răng miệng, thừa đường…
- Tránh các loại thức ăn từ đạm động vật, hải sản, trứng, sữa, đường và thực phẩm có nhiều đường, thức ăn dầu mỡ….
- Uống nhiều nước
Nước có chức năng là điều chỉnh nhiệt độ, đồ uống lạnh vừa phải có thể giúp hạ nhiệt độ khi sốt cao. Trường hợp lạnh và đổ mồ hôi, hãy thêm đồ uống ấm vừa phải. Quan trọng là hãy căn cứ vào nhiệt độ cơ thể để điều chỉnh.
Lượng nước nên uống là 2,5 l/ngày cho người trưởng thành (đã bao gồm cả nước thông qua thức ăn rắn).
Lượng này giảm đi với trẻ nhỏ (trẻ từ 1 – 4 tuổi áp dụng công thức: 95 X kg trọng lượng cơ thể = lượng chất lỏng cần trong ngày).
Với trẻ vẫn đang được uống sữa mẹ, hãy cho bé bú nhiều hơn so với mức thông thường.
3.Một số món ăn thích hợp khi bị sốt
- Các món cháo hoặc súp từ rau củ xay nhuyễn. Cách làm súp rau củ dễ tiêu hóa và nhẹ bụng: hấp hoặc luộc chín rau củ, xay nhuyễn với nước, thêm muối và gia vị vừa ăn.
- Bạn cũng có thể uống nước luộc rau, nước luộc thịt. Lưu ý: luộc chín thịt, chỉ uống nước dùng, không ăn cái trừ súp gà. Áp dụng cả với trường hợp đổ mồ hôi nhiều.
- Súp gà giúp hồi phục cơ thể, thịt gà cũng dễ tiêu hóa. Món súp này rất hiệu quả khi cơ thể đã bớt mệt mỏi qua những ngày ốm đầu tiên.
Cách làm như sau: 2 củ cà rốt, 1/3 cái súp lơ xanh, 30- 50g yến mạch (thay bằng gạo hoặc mì đều được) 150g thịt ức gà. Nấu chín với 1- 1,5l nước, nêm gia vị vừa ăn.
4.Trường hợp sốt cao và tiêu chảy cùng lúc
- Bổ sung muối và kali: uống nước cháo loãng có nêm muối vì gạo rất giàu Kali. Cứ trong 100g gạo tự nhiên có 70mg kali.
- Cách nấu cháo theo hướng dẫn từ bác sĩ: 1 chén gạo ninh với 1,5l nước trên lửa vừa hoặc nhỏ. Cháo chín, lọc lấy phần nước và bỏ phần cái, thêm muối và uống trong cả ngày.
- Uống nước hoa quả pha loãng để bổ sung lượng đường (đã hướng dẫn ở trên)
- Bổ sung Oresol bán sẵn tại hiệu thuốc. Loại nước này thường được pha sẵn tỉ lệ muối đường và Kali. Trường hợp không thể mua được ngay, một cốc nước pha loãng muối đường là biện pháp thay thế. Và bổ sung Kali bằng món cháo loãng đã được hướng dẫn ở trên.
- Ngoài ra nếu bị tiêu chảy, có thể áp dụng súp cà rốt Moro sẽ giúp bạn nhanh hồi phục. Cách làm: 500g cà rốt + 1l nước đun nhỏ lửa trong khoảng 1,5h. Cà rốt chín, xay nhỏ thêm chút muối vừa ăn và dùng trong cả ngày.
- Lưu ý: Với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, dễ xảy ra tình trạng mất nước nghiêm trọng, bạn cần theo dõi chặt chẽ và cần tham khảo ý kiến bác sĩ trong trường hợp nghi ngờ.
5. Làm thế nào để hạn chế ốm sốt?
Để có một cơ thể khỏe mạnh, hãy duy trì các hoạt động vận động ngoài trời như đi bộ, đạp xe… khi có thời gian. Nhất là trẻ nhỏ nên được hoạt động vui chơi tối thiểu 30 phút mỗi ngày.
Trẻ nhỏ rất cần được giải phóng năng lượng và phát triển thể chất thông qua vận động. Nếu không bạn sẽ có những đứa trẻ thường xuyên quấy khóc và thể chất yếu ớt.
Sự hạn chế bởi thời tiết quá nóng, quá lạnh, giao thông chưa thực sự an toàn, tối ưu… làm thời gian tiếp xúc với thiên nhiên của trẻ dường như rất ít ỏi. Tuy nhiên vẫn có thể sắp xếp được nếu bạn thực sự cố gắng.
Chẳng hạn khi còn ở Việt Nam, cuối tuần gia đình mình thường cho các con ra ngoại thành, đến những nơi ít ô nhiễm để được hít thở không khí trong lành.
5.1.Tăng cường chế độ ăn giàu vitamin D
Vào mùa đông khi ngày ngắn hơn, ánh sáng yếu ớt, lạnh khiến con người thích ở trong nhà nhiều hơn là các hoạt động ngoài trời. Vì vậy, khả năng hấp thụ vitamin D từ ánh nắng giảm mạnh. Thiếu vitamin D thường thấy qua các triệu trứng không cụ thể như mệt mỏi hoặc dễ nhiễm trùng.
Để hạn chế thiếu hụt Vitamin D, hãy tăng cường các thức ăn giàu vitamin D như quả bơ, cá, trứng, nấm, mực xào, lươn xông khói, cá trích ngâm sốt cà chua (một loại cá đóng hộp).
Tăng cường các hoạt động ngoài trời khi có thể là cách giúp bạn hấp thụ vitamin D khỏe mạnh và tự nhiên.
5.2.Uống đủ nước, ít nhất là 1,5l chất lỏng mỗi ngày
Nước thường được chúng ta ít để ý đến. Thông thường bạn chỉ uống nước khi có cảm giác khát. Lạnh làm giảm cảm giác khát tự nhiên, có nghĩa là bạn cảm thấy ít khát hơn ở nhiệt độ thấp. Nhưng cơ thể vẫn đổ mồ hôi đáng kể nhất là khi mặc quần áo quá ấm.
Lượng chất lỏng cũng mất đi qua đường thở, ví dụ như những ngày nhiệt độ thấp bạn thường thấy mình thở ra hơi.
Mệt mỏi, đau đầu và khó tập trung đều có thể là dấu hiệu cho thấy cơ thể bạn đang thiếu nước.
Nhu cầu nước ở mỗi đối tượng là khác nhau, tuy nhiên 1,5 lít nước là mức trung bình cho một người khỏe mạnh bình thường.
Các món súp, mì nóng cũng có tác dụng sinh nhiệt và giúp cơ thể nhanh hồi phục khi mệt mỏi
5.3. Ăn cân bằng, lành mạnh để tăng cường vitamin cho cơ thể
Một chế độ ăn cân bằng luôn quan trọng. Vào mùa đông điều này còn có ý nghĩa lớn hơn, chống nhiễm lạnh và virus. Thức ăn cũng có tác dụng cải thiện tâm trạng khi bạn ăn uống tốt và tăng cường hiệu suất công việc.
Một số lưu ý dưới đây bạn có thể áp dụng hàng ngày giúp trả lời câu hỏi ăn gì tăng đề kháng
*Cách chế biến thích hợp
Các món luộc, rang, hầm, súp nóng nên được ưu tiên vào mùa đông.
*Ưu tiên rau củ quả theo mùa và các thực phẩm rau củ từ địa phương.
Các loại rau thích hợp cho mùa đông là bắp cải, su hào, khoai tây, hành lá, tỏi tây, bắp cải, củ hồi, hành tây, bắp cải đỏ, khoai lang, rau diếp xoăn, cải xoăn, cải thảo… (họ nhà cải), bí ngô, củ cải đường (củ dền).
Những loại rau mọc chậm trong mùa đông thường có hàm lượng vitamin E cao. Chúng cung cấp đủ vitamin cần thiết cho hệ thống miễn dịch vốn bị căng thẳng trong mùa đông.
*Trái cây tươi tăng cường vitamin khoáng chất, hệ thống miễn dịch
Các loại hoa quả thu hoạch cuối thu như táo, lê, mận, lựu, quýt, mơ… đều thích hợp cho mùa đông. Hãy luôn có 2 phần ăn hoa quả mỗi ngày.
*Các loại hạt và trái cây khô thích hợp cho các bữa ăn nhẹ
Các loại hạt thường rất giàu khoáng chất. Chúng cung cấp các khoáng chất quan trọng như magiê, sắt, đồng, selen, mangan và kẽm, giúp tăng cường hệ thống miễn dịch.
Các loại hạt nên ăn với một số lượng nhỏ và vừa phải. Trong đó có: hạt óc chó, lạc, hạt phỉ,hạnh nhân hay hạt dẻ cười.
Nên mua hạt còn nguyên vỏ sẽ giữ lại được nhiều vitamin nhất. Và chỉ đúng với hạt nguyên chất không qua chế biến với muối hoặc đường.
*Thịt, cá, hải sản
Nên được tiêu thụ với mức vừa phải. Có thể áp dụng 4 bữa thịt, 2 bữa cá và 1 bữa ăn chay trong tuần
*Gia vị cũng giúp ấm từ bên trong.
Kích thích quá trình trao đổi chất. Lưu thông máu và làm cho bạn ít nhạy cảm hơn với cái lạnh như: ớt, hạt tiêu, nghệ, quế, gừng…Lưu ý với những ai huyết áp cao, đổ mồ hôi nhiều trong mùa đông cần hạn chế các loại gia vị cay nóng và thực phẩm có tác dụng làm ấm.
Kết luận
Về mùa đông, khi thời tiết lạnh giá, tình trạng ốm sốt cũng dễ lây lan. Hãy có chế độ dinh dưỡng hợp lý, cân bằng cho gia đình để phòng bệnh và tăng cường sức khỏe. Phòng bệnh luôn tốt hơn chữa bệnh.
Leave a Comment