Trẻ ghét rau phải làm sao
Giờ ăn trưa, khi mình đặt một miếng ớt chuông vào đĩa ăn của Leo, con đã hét ầm lên và dùng dĩa gảy bay miếng ớt ra ngoài. Từ tuổi lên 2, Leo bắt đầu ghét ăn rau và luôn phản ứng gay gắt nếu mình cố tình bỏ rau cho con.
Con bạn cũng đang rất ghét rau? Con từ chối rau nhiều đến nỗi bạn tự hỏi: liệu con có thiếu chất khi chúng không chịu ăn rau hay không? Dù sao thì bạn rất lo lắng về chuyện kén ăn của con mình. Tuy nhiên đừng để bản thân phát điên trước hành vi ăn uống có chọn lọc của con bạn.
Sự thật thì những em bé ghét rau hoặc có hành vi ăn uống 1 chiều (kén ăn) rất phổ biến vì đây là một đặc trưng bình thường của lứa tuổi. Theo giáo sư Mathilde Kersting- Viện nghiên cứu dinh dưỡng Dortmund: “ Hầu hết trẻ em đều không thích ăn rau, điều đó hoàn toàn bình thường”.
Các hành vi ăn uống kén chọn này theo thời gian sẽ tự mất đi nếu các cha mẹ có cách ứng xử phù hợp, không làm vấn đề trở nên nghiêm trọng hơn. Jesper Juul – chuyên gia trị liệu gia đình nói: “Đừng để bản thân bị căng thẳng, hãy chấp nhận rằng đứa trẻ không muốn ăn rau trong một thời gian và đừng biến chúng thành chủ đề chính trong mỗi bữa ăn”.
Và tin vui là luôn có một vài mẹo giúp ứng phó phù hợp với thói quen ăn uống của con bạn.
Contents
1.Vì sao trẻ ghét rau?
Khi trẻ lên 2, xu hướng từ chối thức ăn sẽ ngày càng nhiều và hình thành rõ rệt trong độ tuổi từ 2 – 6. Trẻ sẽ chỉ ăn một vài loại thức ăn quen thuộc và đặc biệt có nhiều trẻ rất ghét ăn rau. Để hiểu vì sao con ghét rau, bạn có thể cần trả lời những câu hỏi sau đây:
Bạn có thích ăn rau không? Nếu rau có vị đắng, bạn có ăn không? Hãy thành thật vì nó giúp bạn hiểu con mình sâu sắc hơn.
Nếu tất cả các câu trả lời là CÓ, tuyệt vời, chúng ta không có gì để bàn thêm.
Nếu câu trả lời là KHÔNG, bạn không thích ăn rau. Món rau luộc nếu thiếu mắm thì vị của nó nhạt thếch. Không thích rau nhưng bạn vẫn ăn vì bạn ý thực được rau tốt cho sức khỏe.
Vấn đề nằm ở chữ “nhưng” này. Thực tế, số người thích ăn rau thực sự rất ít. Chúng ta cũng thường không thích hết tất cả các loại rau, chỉ một vài trong số chúng.
Mình là một trong số đó. Nhưng mình vẫn ăn rau, mình luôn ăn nhiều loại rau khác nhau là khác. Tuy nhiên thành thực mà thừa nhận chuyện ăn rau của mình hết sức lý trí, vì mình cũng như bao người trưởng thành khác hiểu được: rau, củ giúp cơ thể khỏe mạnh. Phần lớn chúng ta ăn rau (hoặc cả những thức ăn khác) đôi lúc không phải vì nó thực sự ngon, mà chúng ta ăn vì sức khỏe.
Trẻ con khác người trưởng thành, chuyện ăn uống của trẻ rất bản năng. Trẻ cũng còn quá nhỏ để hiểu rau tốt cho sức khỏe là như thế nào. Vì thế nên món gì ngon, hợp khẩu vị thì trẻ ăn hoặc ngược lại.
Dưới góc độ khoa học, có 3 lý do chính giải thích chuyện ghét rau của trẻ như sau:
1.1 Trẻ ghét rau xét trên khía cạnh sinh học
Birgit Neumann (nhà sinh thái học/ chuyên gia dinh dưỡng Đức) viết rằng: “Mặc dù rau rất tốt cho sức khỏe vì chúng có nhiều vitamin và khoáng chất, nhưng chúng lại không mang lại cảm giác no, chưa kể, 1 số loại thực vật thứ cấp còn khó tiêu hóa riêng lẻ: Theo bản năng, trẻ sẽ chọn những thức ăn để nuôi dưỡng chúng tốt nhất – tức là chúng chọn những thức ăn giúp chúng no nhanh và những thức ăn mà chúng có thể tiêu hóa riêng lẻ”
1.2 Về mặt giải phẫu
Một người trưởng thành có khoảng 5000 gai vị giác và số lượng này ở trẻ là rất ít (wikipedia) – đây là lý do trẻ dễ chấp nhận ăn rau khi còn nhỏ. Theo thời gian, khi trẻ lớn hơn, các chồi vị giác phát triển nhiều hơn và trẻ có thể cảm nhận được mùi vị rõ rệt hơn qua vị giác, vì vậy trẻ cũng sẽ có xu hướng từ chối ăn rau nhiều hơn khi phát hiện ra rau có vị đắng, chát.
Nhiều loại rau có vị đắng, chát, hoặc mùi khá đặc trưng sẽ dễ bị trẻ từ chối. Ví dụ như một số rau người lớn yêu thích nhưng trẻ thì không như rau muống, rau ngót, rau mùng tơi, mướp đắng…, vì những loại rau này không có vị ngọt.
Một số bà mẹ cố gắng tập cho con ăn mướp đắng để con làm quen từ nhỏ, điều này có mặt tích cực nhưng mặt khác cũng dễ phản tác dụng, vì con có thể có ấn tượng tất cả các loại rau khác cũng sẽ đắng. Hãy thử nhớ lại xem cảm giác của bạn khi lần đầu ăn mướp đắng thế nào? Với mình thì nó quá đắng và không ngon.
Vị giác của loài người rất nhạy cảm với vị đắng, vị giác của trẻ còn nhạy cảm hơn chúng ta gấp nhiều lần. Điều này có liên quan mật thiết đến sự tiến hóa của loài người.
Bẩm sinh loài người chúng ta đều thích ngọt. Sữa mẹ có vị ngọt nhẹ, thanh mát. Nếu đang nuôi con bằng sữa mẹ, hãy nếm thử nếu bạn chưa từng làm điều này để hiểu vì sao sữa mẹ luôn là thức ăn yêu thích hàng đầu của trẻ sơ sinh.
Ngọt cũng là tín hiệu cho mật độ năng lượng cao, là lợi thế quyết định cho sự sống và là hương vị an toàn của sự tiến hóa (đắng thường có nghĩa là độc trong tự nhiên- không an toàn).
1.3 Trẻ ghét rau xét ở góc độ phát triển tâm lý
Trẻ Toddler ở giai đoạn cần khẳng định sự độc lập. Vì trẻ phụ thuộc rất nhiều vào người chăm sóc, nên thứ duy nhất mà chúng có thể bày tỏ quan điểm là chúng quyết định mình muốn ăn gì.
Trong những giai đoạn được coi là thách thức, sự phát triển tâm lý học miêu tả đây là giai đoạn trẻ có nhu cầu tự chủ và muốn được tôn trọng. Nếu bạn tôn trọng trẻ, sẽ tránh được một cuộc chiến tranh giành quyền lực mà phần thua chắc chắn sẽ ở phía bạn.
Còn rất nhiều lý do khác giải thích cho chuyện trẻ ghét rau hoặc một món ăn nào đó. Nhưng trên đây là 3 lý do có thể gây ảnh hưởng nhiều nhất. Đôi khi hiểu nguyên nhân cũng quan trọng nhưng cách ứng xử với các vấn đề ăn uống của con như thế nào cho ổn thỏa còn quan trọng hơn.
Đến đây có thể bạn cũng đã nhận ra: Nếu rau không phải là món ăn yêu thích thực sự của người lớn thì với trẻ cũng thế.
Vì vậy đừng ép con ăn món mà con không thích. Cũng hôm nay mình hỏi cậu con trai 3 tuổi của mình: vì sao con không thích rau? Bé nói: rau ngon cho mẹ, không ngon cho con. Mình tin là con nói đúng vì những em bé tuổi lên 3 đã có thể bộc lộ rất chính xác và chân thực cảm xúc của mình.
2. Trẻ ghét rau phải làm sao (12 tuyệt chiêu dễ dàng giúp bé chịu ăn rau)
Việc trẻ không ăn rau trong một thời gian không phải là vấn đề quá nghiêm trọng vì có nhiều mẹo để chúng ta giải quyết ổn thỏa vấn đề này. Trẻ ghét rau phải làm sao? Một vài gợi ý sau đây sẽ giúp bạn ứng phó phù hợp với con mình. Cùng xem nhé.
2.1. Rau là một phần của bữa ăn
Dù con không thích ăn rau, nhưng rau luôn nên có mặt trên bàn ăn vì nó giúp trẻ hiểu được, rau là một thành phần cần có trong bữa ăn. Nhiều bà mẹ thất bại trong việc giúp con hết ghét rau là vì không chú ý đến điều này.
Đừng loại bỏ bất kỳ một món ăn nào chỉ vì con bạn không thích, vì như vậy nó chỉ khiến món ăn càng trở lên xa lạ và khó được chấp nhận. Với một số trẻ, khi vượt qua được chứng sợ hãi thực phẩm mới ban đầu, con sẽ dễ dàng chấp nhận món ăn đó hơn, ngay cả khi ban đầu con không thích
Trong dinh dưỡng, các nhà khoa học gọi đây là hiệu ứng tiếp xúc đơn thuần. Khi trẻ được tiếp xúc thường xuyên với rau với tần xuất được lặp lại – một lúc nào đó theo phản xạ con sẽ dễ dàng chấp nhận rau hơn, cảm giác xa lạ sẽ biến mất (vì đã quen mắt). Tính chất lặp lại luôn tạo ra hiệu quả với những trẻ kén ăn với bất kể món ăn nào.
2.2. Luôn duy trì những bữa ăn lành mạnh
Những đứa trẻ lớn lên trong môi trường được nuôi dưỡng bình thường sớm muộn cũng có thói quen ăn uống lành mạnh, ngay cả khi ban đầu chúng không thích nhiều thứ (Ulrich Fegeler- Bác sĩ nhi khoa Đức). Như thế nào là ăn uống lành mạnh: đó là những bữa ăn với bầu không khí ấm áp, tràn ngập tình yêu thương, không chỉ trích, không cãi vã, không áp lực. Và thức ăn với những thực phẩm tươi mới, màu sắc phong phú, cách chế biến hợp khẩu vị…
2.3 Cha mẹ là hình mẫu cho con
nếu bạn không thích ăn rau, con ít khi nhìn thấy bạn ăn rau, thì hiển nhiên là con cũng sẽ không ăn. Trẻ nhỏ thường có xu hướng học hỏi cha mẹ hoặc các thành viên khác trong gia đình. Nếu người lớn không phải là tấm gương tốt, thì trẻ không có cơ hội để hình thành những thói quen tốt. Hành vi ăn uống của trẻ chịu ảnh hưởng rất nhiều từ hình mẫu và bầu không khí ăn uống đầm ấm.
2.4 Chuẩn bị rau theo những cách thức đa dạng khác nhau
Có những trẻ không thích món rau nấu nhưng lại rất hào hứng với những món rau chưa qua chế biến. Chẳng hạn như cà rốt, dưa chuột, su hào… là những loại rau mà trẻ đã nhai tốt hoàn toàn có thể thử, nếu bạn chuẩn bị theo cách thân thiện với trẻ nhỏ. Cách làm: gọt vỏ, chẻ rau củ thành những miếng dài và nhỏ, thêm nước sốt chấm là sữa chua. Trẻ nhỏ ở phương tây được tiếp xúc với hình thức ăn rau sống như này từ rất sớm nên chúng rất thích. Cách này cũng giúp hấp thụ nhiều vitamin hơn những thực phẩm đã qua chế biến.Nếu trẻ không thích ăn rau sống trực tiếp, thì sinh tố rau cũng là một lựa chọn không tồi. Sinh tố ngon và tốt cho sức khỏe và vẫn chứa đầy đủ các loại dinh dưỡng quan trọng. Hãy làm một vài loại sinh tố xanh từ cải bó xôi, rau diếp kết hợp với nước táo, quả bơ, chuối hoặc cùng nước cam. Rất nhiều trẻ ít khi từ chối những loại sinh tố có vị rất ngon này.
2.5 Hãy làm món sốt rau
Một số món rau sẽ có vị hấp dẫn hơn nếu bạn nấu thành dạng nước sốt, chẳng hạn như rau súp lơ xanh, nấm, súp lơ trắng, củ hồi… Cách nấu những loại sốt rau này rất đơn giản. Bạn có thể tham khảo tại andamkieutay.com
2.6 Ưu tiên những loại rau có vị ngọt tự nhiên
Trẻ thích ngọt, hãy ưu tiên những loại rau củ có vị ngọt thường xuyên trong bữa ăn có thể bạn sẽ dễ thuyết phục trẻ hơn. Các loại rau có vị ngọt tự nhiên là cà rốt, bí đỏ, khoai lang, bí ngòi… Đừng áp đặt khẩu vị của người lớn vào trẻ nhỏ, một số loại rau với bạn là ngon nhưng có thể với trẻ là không. Hãy để trẻ tiếp xúc từ từ, từng lượng nhỏ một cho đến khi trẻ cảm nhận và hình thành được món yêu thích mới.
2.7 Bánh muffin rau
Có thể làm các loại bánh muffin có thành phần là rau như bánh pizza, bánh từ rau chân vịt, bánh từ cà rốt hoặc bí ngòi.
2.8 Giấu rau một cách khéo léo trong món ăn
Hãy khéo léo trộn một vài loại rau được cắt nhỏ vào cơm như súp lơ trắng, nấm, hoặc cà rốt, hoặc bí ngòi. Khi ăn cùng cơm trẻ ít khi từ chối hơn, đây là mẹo mình thường xuyên áp dụng và nhận thấy hiệu quả rõ rệt. Ít nhất, Leo – em bé của mình, tuần này đã có sự thay đổi khẩu vị, con đã bắt đầu ăn nấm, ăn khoai tây trực tiếp hơn mà mẹ không cần phải sử dụng hình thức giấu rau.
2.8 Trẻ ghét rau nhưng ít ghét hoa quả
Nếu trẻ tạm thời không ăn rau, hãy đảm bảo trong giai đoạn này trẻ được ăn trái cây và khoai tây. Trong hai thực phẩm này cũng chứa các loại vitamin cần thiết để trẻ hấp thu dinh dưỡng.
Thực tế, trẻ ghét rau nhưng không từ chối hoa quả, mình chưa từng thấy một đứa trẻ nào từ chối hoa quả. Chỉ là chúng ăn rất nhiều loại hoa quả khác nhau hay chỉ thích một hai loại.
Tuy nhiên con bạn cũng không cần phải thích hết các loại rau cũng như các loại hoa quả. Chỉ một vài trong số chúng là đủ.
Hãy chế biến hoa quả cho hấp dẫn hơn, ví dụ món salad hoa quả cũng rất dễ hấp dẫn trẻ: cắt nhỏ khoảng 30g từ 2-3 loại quả trộn chúng với sữa chua không đường và có thể thêm chút mật ong cho trẻ trên 1 tuổi
2.9 Con bạn ăn bằng cả 5 giác quan
Trẻ thường ăn bằng mắt, và các giác quan khác. Hãy cho trẻ tham gia vào hoạt động bếp núc với bạn. Khi cho trẻ vào bếp, con được xem mẹ chế biến các món ăn, các giác quan được kích hoạt. Trẻ nhỏ thường tò mò và ưa khám phá, hãy tận dụng đặc tính này của trẻ để biến chúng thành thế mạnh.
Ngoài ra, cũng có thể cho con đi chợ, đi siêu thị cùng bạn để con tận mắt nhìn thấy sự phong phú của các loại rau. Hãy khuyến khích con chọn loại rau mà con thích và nói chúng ta sẽ chế biến thành món ăn thật ngon.
2.10 Hãy để trẻ tham gia vào việc chăm sóc rau
Theo gợi ý từ trang avogel.ch, bạn có thể mua một vài chậu rau thơm và giao nhiệm vụ chăm rau cho trẻ. Khi nấu một món ăn nào đó cần hành, hoặc mùi, bạn có thể khéo léo hỏi trẻ có muốn thêm các loại gia vị đó vào món ăn hay không. Cách làm này cũng khá hiệu quả.
Đây chính là các cách mình đã áp dụng để giúp Leo có thể yêu thích lại món rau theo những cách khác nhau.
Nếu tất cả các gợi ý trên đây đều không hiệu quả với con bạn, thì điều quan trọng là hãy luôn giữ thái độ lạc quan, vui vẻ và bình tĩnh. Đừng làm vấn đề trở lên trầm trọng hơn khi thường xuyên nói về chủ đề con ghét rau trong bữa ăn hoặc phàn nàn với ai đó trước mặt trẻ rằng con bạn ghét rau. Trẻ rất nhạy cảm, sự lo lắng của bạn đôi khi sẽ đẩy vấn đề đi xa hơn.
Leave a Comment