Trữ đông thực phẩm có tốt không? Có làm mất giá trị dinh dưỡng không? Cách trữ đông thực phẩm đúng cách? Làm thế nào để nấu ăn dặm cho con không vất vả? Có nên trữ đông thức ăn dặm cho con hay không?
Rất nhiều câu hỏi liên quan đến trữ đông thức ăn trong quá trình mình tư vấn ăn dặm cho các bà mẹ nuôi con nhỏ. Có nhiều bạn chia sẻ với mình: chị Hong Rosa ơi, em vừa phải trông con vừa phải nấu ăn, nhiều lúc chồng em thấy vợ vất vả quá nói vợ nên trữ đông thực phẩm, cũng đỡ mất công vì mỗi bữa con ăn rất ít. Nhưng em cũng e ngại trữ đông thức ăn sẽ làm giảm dinh dưỡng.
Vậy thực tế trữ đông thực phẩm có tốt hay không, có làm mất vitamin hay không? Ý kiến từ chuyên gia dưới đây sẽ giúp bạn có câu trả lời để an tâm hơn. Ngoài ra, bài viết cũng cung cấp cho bạn những thông tin khác như:
- Hướng dẫn cách trữ đông thực phẩm đúng cách
- Cách rã đông thực phẩm để đảm bảo dinh dưỡng
- Mẹo nấu ăn dặm cho con không áp lực
Contents
1.Trữ đông thực phẩm đúng cách và hướng dẫn từ chuyên gia
Theo Reiner Ley chuyên gia về rau củ và hoa quả của Edeka Đức: Về lý thuyết, hầu hết các thực phẩm đều có thể trữ đông ngoại trừ một vài loại không phù hợp.
Thức ăn được đông lạnh hay trữ đông thực phẩm đúng cách không mất đi giá trị về dinh dưỡng như nhiều người vẫn lầm tưởng, mà ngược lại, rau củ cấp lạnh sâu ngay sau thu hoạch còn giúp giữ lại nhiều vitamin hơn. Do vitamin không bị mất đi do quá trình vận chuyển, hay thất thoát bởi nhiệt độ, ánh sáng.
Thực phẩm tươi bao giờ cũng ngon nhất, chúng ta luôn cố gắng sử dụng nhiều thức ăn tươi hơn để tốt cho sức khỏe. Nhưng nếu có nhiều thực phẩm sạch nhà trồng được, thức ăn không dùng hết hoặc nếu có một cuộc sống quá bận rộn, dù sao đông lạnh cũng tốt hơn là thức ăn lưu cữu vài ngày trong tủ lạnh.
Lợi ích của trữ đông thực phẩm đúng cách
Trước hết, trữ đông thực phẩm giúp bạn chủ động trong ăn uống, nấu nướng. Trong guồng quay cuộc sống bận rộn, nhiều người có thể chọn cách mua đồ ăn sẵn hoặc đi ăn ngoài hàng quán. Cách này vừa tốn kém, lại không thực sự hiệu quả nếu cả 30 ngày bạn đi ăn quán cả 30. Thức ăn do chính mình nấu bao giờ cũng chất lượng nhất. Bạn biết được thành phần thức ăn có gì trong đó. Còn mới hay đã cũ, bạn hoàn toàn kiểm soát được chất lượng thức ăn so với thức ăn ở ngoài quán xá.
Vì vậy, quay lại với bài toán cho người bận rộn, cấp đông thực phẩm lại là một lựa chọn không tồi. Ít nhất thì ngay cả khi không có đủ thời gian để nấu nướng, bạn vẫn luôn có sẵn những thức ăn lành mạnh trong nhà. Như vậy, cấp đông thực phẩm giúp bạn tiết kiệm thời gian.
Thứ 2, khi trót nấu quá nhiều, thay vì cả ngày đều phải ăn một món giống nhau, vừa nhàm chán lại vừa thiếu – thừa dinh dưỡng, hãy nghĩ đến cấp đông. Bạn vẫn có thể được thưởng thức món ăn đó ở một thời điểm khác mà không phải lo thức ăn hư hỏng hay phải ăn cả ngày một món ăn giống nhau.
Nếu trữ đông và rã đông đúng cách, bạn sẽ không phải quá lo lắng về chuyện dinh dưỡng. Đây cũng là giải pháp tối ưu với những người mẹ ở nhà chăm con mà không có sự trợ giúp nào khác.
Vì vậy, tùy vào quỹ thời gian mà bạn có thể lựa chọn giải pháp thiết thực cho mình: nấu ăn hàng ngày hay nấu nhiều 1 lần, sau đó đông lạnh phần thức ăn còn lại.
Hoặc nếu vào mùa rau củ quả, ăn không hết có thể nghĩ tới các phương án dự trữ như cấp đông để dùng dần. Như vậy, có lúc bạn cũng sẽ được thưởng thức rau củ trái mùa mà không phải lo lắng về chất bảo quản.
Các loại rau củ không phù hợp để trữ đông
Mặc dù về lý thuyết, hầu hết thực phẩm đều có thể cấp đông. Tuy nhiên, có một vài loại không phù hợp do thay đổi nhiệt độ cũng làm thay đổi cấu trúc của thực phẩm. Nắm được thực phẩm nào không nên cấp đông cũng rất quan trọng để bạn có thể bảo quản thực phẩm đúng cách.
Các loại rau không thích hợp để đông lạnh bao gồm:
Rau củ mọng nước
Hoa quả mọng nước (nho, dưa hấu…)
Vì chúng thường bị hỏng cấu trúc sau khi rã đông: nhão hoặc mất độ giòn, vị ngon giảm hoặc không ngon nữa. Ví dụ khoai tây, táo, cà chua
2.Trữ đông thực phẩm đúng cách như thế nào để giữ lại nhiều dinh dưỡng nhất
Hướng dẫn trữ đông thực phẩm rau củ đúng cách
Rau đặc: với các loại rau đặc như súp lơ xanh, cà rốt, đậu Hà Lan, cải cầu vồng, củ hồi… nên trần qua nước sôi trước khi đông lạnh.
Theo nhà khoa học dinh dưỡng Andrea Danitschek: Chần những loại rau này trước khi cấp đông giúp bất hoạt Enzyme, tiêu diệt các vi trùng bám dính, giúp kéo dài thời gian bảo quản và giữ lại được vitamin nhiều hơn.
Ngoài ra chần cũng giúp một số loại rau không bị nhũn khi rã đông.
Cách sơ chế trước khi cấp đông rau củ
Rửa sạch, cắt nhỏ hoặc miếng vừa ăn
Đun sôi nước, thả rau vào nấu trong khoảng 2 – 4 phút. Vớt ra, ngâm luôn vào nước đá lạnh 1-2 phút rồi làm khô ráo nước. Cho vào túi hút chân không và bảo quản.
*Một số loại rau không cần chần mà nên cấp đông trực tiếp:
Bí ngòi, hành tây, nấm, rau thơm
Khoai tây bình thường không phù hợp để cấp đông. Nhưng khoai tây cho món khoai chiên kiểu Pháp cũng có thể cấp đông mà không gặp vấn đề gì về chất lượng.
Cách đông lạnh hoa quả
Trữ đông thực phẩm đúng cách trong đó có đông lạnh hoa quả không quá khó tuy nhiên cũng có một vài thông tin bạn cần biết
Một số loại hoa quả mọng nước không thích hợp để đông lạnh như các loại dưa hấu, dưa, nho. Tốt nhất là nên ăn trực tiếp. Vì chúng thường bị nhão sau khi rã đông.
Các loại hoa quả có hạt như đào, mơ… nên được loại bỏ hạt trước khi đông lạnh để tránh bị đắng.
Một số loại quả mọng như việt quất, phúc bồn tử hoặc các loại quả to nên cắt nhỏ thành từng miếng. Sau đó dàn đều trên một khay phẳng, không dính vào nhau. Để đông lạnh trước trong tủ đá khoảng vài giờ. Sau đó mới chuyển sang các túi zip hoặc hộp để bảo quản sẽ không bị tình trạng các miếng hoa quả dính vào nhau hoặc bị nát. Mỗi lần lấy ra sẽ dễ dàng hơn.
Táo hoặc lê không thích hợp để đông lạnh vì sẽ mất độ giòn, tuy nhiên có thể nghiền trước khi cấp đông. Bạn cũng nên thêm một chút nước cốt chanh để không bị chuyển màu nâu và nên được đông lạnh thành từng phần.
Một số loại quả khác như vải, hoặc chuối cũng không thích hợp để đông lạnh vì chúng thường không chịu được lạnh. Tuy nhiên, chuối chín và đã được bóc vỏ có thể được đông lạnh để làm các món sinh tố hoặc kem.
Hướng dẫn cách trữ đông thịt cá
Với cá, cần sơ chế làm sạch trước khi đông lạnh. Nên ở dạng phi lê sẽ tiện lợi hơn.
Với các loại thịt, việc loại bỏ mỡ dính vào thịt sẽ kéo dài thời gian bảo quản lâu hơn. Thịt nên được thấm khô trước khi cấp đông và thịt băm nên chia thành những phần nhỏ để bảo quản giúp hạn chế vi khuẩn sinh sôi.
Nhiệt độ bảo quản tốt nhất là -18 độ
Thịt bò và các loại thịt thú rừng thường có thời hạn bảo quản dài hơn so với thịt lợn và thịt gia cầm. Thông thường là từ 3 tháng đến 12 tháng tùy thuộc vào chất lượng bảo quản và lượng mỡ trong thực phẩm.
Không nên ướp thịt trước khi cấp đông để không bị ảnh hưởng đến thời hạn bảo quản thịt.
Hướng dẫn cách đông lạnh bánh mì
Ngày nay bánh mì cũng là món ăn phổ biến hơn với người Việt. Nhiều gia đình người Việt đã bổ sung bánh mì như một thực phẩm quen thuộc hàng ngày. Và điều tuyệt vời là bánh mì cũng thích hợp để cấp đông. Đông lạnh bánh mì còn mới sẽ cho chất lượng bánh tốt nhất. Nếu cấp đông đúng cách, thường bánh mì có thể bảo quản được 3 tháng trong tủ đông.
Bạn có thể cấp đông cả ổ bánh mì hoặc bánh mì cắt lát đều được. Tuy nhiên cắt lát và chia nhỏ sẽ thuận tiện hơn cho mỗi lần ăn. Theo chuyên gia Karl Ernst Schmalz (IQback), nhiệt độ -18 độ là thích hợp để cấp đông bánh mì, cũng giống như các loại thức ăn cấp đông khác.
Sử dụng túi nhựa chuyên dùng cho tủ đông. Cho từng phần bánh mì vừa ăn vào từng túi. Dùng máy hút chân không để hút hết không khí ra. Nếu không có máy hút chân không có thể dùng tay giữ đầu túi, sau đó dùng miệng hút hết không khí ra (có thể không được vệ sinh), hoặc có thể dùng tay đẩy hết không khí ra và buộc kín túi lại.
Cách rã đông bánh mì: rã đông trong tủ lạnh từ tối hôm trước nếu bạn có kế hoạch ăn bánh mì vào ngày hôm sau. Hoặc rã đông ở nhiệt độ phòng trong khoảng từ 1-3h, sau đó nướng lại trong thời gian ngắn sẽ không làm khô bánh mì hoặc có thể không cần nướng lại.
Trữ đông rau thơm
Các loại rau thơm như hành, thì là… cũng thích hợp để đông lạnh. Cách tốt nhất để đông lạnh là bạn làm sạch rau thơm, dùng giấy thấm cho khô nước. Thái nhỏ. Sử dụng khuôn làm đá có nắp, chia rau thơm vào từng ô. Đổ thêm nước, đậy nắp hộp rồi cho vào ngăn đá bảo quản
Rã đông thực phẩm đúng cách cần chú ý những gì
Cấp đông thực phẩm đúng cách giúp giữ lại nhiều dinh dưỡng nhất, nhưng việc rã đông thực phẩm đúng cách cũng quan trọng không kém.
Khi rã đông thực phẩm cần tuân thủ theo nguyên tắc: làm lạnh nhanh, rã đông lâu.
Tức là khi sơ chế, làm sạch để cấp đông thì cần làm nhanh. Nhưng rã đông thì cần làm chậm.
Ví dụ: Thịt cá cần rã đông trong tủ lạnh để tránh sinh sôi vi khuẩn nhanh chóng. Trong trạng thái đông lạnh, ngủ đông, vi khuẩn không sinh sôi nhưng chúng cũng có thể hoạt động trở lại. Do đó thịt cá cần được rã đông trong tủ lạnh. Thông thường cần khoảng 10 tiếng để rã đông.
Ngoại trừ rau đã trần có thể nấu thẳng mà không cần rã đông từ trước để không bị mất độ đặc. Thời gian nấu rút ngắn còn ⅓ so với rau củ tươi.
Cũng có thể rã đông nhanh trong lò vi sóng tuy nhiên với hoa quả thường là mất mùi thơm.
Thời gian bảo quản thực phẩm cấp đông
Các loại rau có thể bảo quản từ 6-9 tháng. Tuy nhiên càng sử dụng sớm thì chất dinh dưỡng càng được bảo toàn nhiều hơn
Rau thơm khoảng 3 tháng.
Mẹo nấu ăn dặm cho con không áp lực bằng trữ đông thực phẩm đúng cách
Như mình đã viết ở trên, nhiều bà mẹ thường cảm thấy khá vất vả khi vừa trông con lại vừa nấu ăn cho con mỗi ngày. Làm thế nào để vừa chăm con lại vừa có thể nấu nướng mà không quá áp lực? Trữ đông thực phẩm là mẹo mà bạn có thể áp dụng. Cách này giúp giảm tải thời gian chuẩn bị, giữ được thực ăn lâu hơn. Trữ đông thực phẩm đúng cách cho bé giúp bạn có thêm thời gian nghỉ ngơi.
Một vài giải pháp dưới đây bạn có thể lựa chọn:
Nấu lượng cháo gấp đôi
- Khi nấu cháo cho con, hãy nấu nhiều gấp đôi số cháo cho một bữa. Một phần bảo quản trong lọ kín và để tủ lạnh cho bữa ngày hôm sau. Cách này áp dụng cho các bạn muốn nấu ăn hàng ngày cho con.
- Cháo đã nấu có thể bảo quản tối đa 24h trong tủ lạnh, không áp dụng với cháo cá, hải sản.
- Để áp dụng được mẹo này, bạn cần chuẩn bị nhiều lọ thủy tinh dung tích nhỏ, đủ một bữa ăn cho con. Lọ thủy tinh cần được tiệt trùng với nước nóng già. Khi cháo nấu chín, đổ vào lọ đã được tiệt trùng đậy kín nắp lọ.
- Chuẩn bị sẵn một chậu nước lạnh, cho lọ cháo vào ngâm để cháo nguội nhanh. Sau khi cháo nguội, cho ngay vào tủ lạnh để bảo quản.
- Lưu ý: Cẩn thận hơn với phần cháo đã bảo quản, bạn nên kiểm tra mùi vị cháo trước khi cho bé ăn, nếu có mùi vị khác thường thì nên bỏ đi.
Đông lạnh các phần cháo riêng lẻ
Đây là cách mà chị dâu mình và rất nhiều các bà mẹ người Đức sử dụng cho thời gian đầu ăn dặm khi bé chỉ ăn những lượng rất nhỏ. Nếu ngày nào cũng nấu ăn cho con sẽ rất mất thời gian. Vì vậy cấp đông cháo cho bé cũng là giải pháp được lựa chọn.
Để thực hiện cấp đông cháo, tốt nhất bạn nên nấu chín các loại thức ăn riêng lẻ: rau riêng, thịt riêng. Sau đó chia đều vào các hộp/ lọ nhỏ đủ cho 1 phần ăn. Ghi rõ các nhãn trên mỗi hộp. Mỗi lần nấu chỉ cần lấy ra các viên thích hợp. Cách này giúp bạn có thể trộn các vị thức ăn khác nhau rất linh hoạt.
Cháo đông lạnh ở nhiệt độ -18 độ có thể bảo quản trong 2 tháng.
Lưu ý: chỉ nấu các loại thức ăn thông thường với nước, không thêm gia vị, không thêm dầu ăn vào cháo dành để đông lạnh.
Cách rã đông/ làm ấm với thức ăn đã bảo quản
Luôn chủ động lấy phần cháo đông lạnh cần cho ngày hôm sau. Không mở nắp hộp mà để rã đông tự nhiên trong tủ lạnh qua đêm.
Khi cháo đã được rã đông, lúc ăn chỉ cần làm ấm lại cháo bằng 2 cách:
+ Chuẩn bị sẵn nước nóng khoảng 70 độ C, ngâm lọ cháo vào đó, thỉnh thoảng đảo lên cho cháo được ấm đều.
+ Nếu có lò vi sóng, bạn có thể làm ấm cháo trong lò vi sóng cũng rất nhanh. Khi lấy cháo ra cần khuấy đều để không bị chỗ quá nóng, chỗ quá lạnh.
Một cách khác là bạn cũng có thể sơ chế sẵn các phần rau củ, thịt cá từ hôm trước, bỏ sẵn vào hộp để hôm sau chỉ việc nấu.
Tranh thủ lúc con ngủ hoặc lúc con chịu chơi một mình, có thể nấu nhanh. Nếu đã chuẩn bị sẵn thì bạn chỉ mất khoảng 12 phút cho một bữa cháo cho bé.
Với cá, mình thường trữ sẵn một lượng đủ cho 1 – 2 tuần ăn. Chia nhỏ đủ từng phần rồi bỏ vào hộp trữ đông cá tươi. Khi nào cần dùng đến sẽ rã đông từ hôm trước.
Khi cho con ăn dặm, mình đã sử dụng cả 3 cách chủ yếu này để có thể nấu đồ ăn cho con mỗi ngày mà không quá căng thẳng. Dựa trên điều kiện phù hợp với bản thân, hãy lựa chọn cách mà bạn cảm thấy tiện và dễ dàng nhất. Nuôi con là cả một quá trình, những người mẹ cũng cần chú ý đến sức khỏe cho bản thân.
Leave a Comment