Con tăng cân chậm, con không tăng cân… Tâm lý chung của các bà mẹ thường lo lắng về vấn đề cân nặng của con. Bởi vậy, trong các cuộc tư vấn hàng ngày, đây là những câu hỏi mà mình thường xuyên nhận được. Làm thế nào giúp trẻ tăng cân?
Để trả lời chung và giúp bạn bớt lo lắng hơn, bài viết này sẽ tập trung vào các vấn đề cân nặng như sau:
- Định hướng tăng cân của trẻ sơ sinh
- Nguyên nhân trẻ không tăng cân và giải pháp giúp trẻ tăng cân (Trẻ ăn nhiều mà không tăng cân, trẻ ăn ít không tăng cân)
- Một số thực phẩm có hàm lượng dinh dưỡng cao giúp trẻ tăng cân
- Làm thế nào giúp trẻ tăng cân (Các món ăn giàu năng lượng giúp trẻ tăng cân.
Ăn uống lành mạnh là yếu tố chính tại sao chúng ta ngày nay có chiều cao trung bình lớn hơn nhiều so với tổ tiên của chúng ta vài trăm năm trước. Nếu một đứa trẻ được nuôi dưỡng tốt, nó có thể đạt được tiềm năng phát triển đầy đủ của nó.(Theo Dr. Andreas Busse – Đức)
Contents
1.Tăng cân ở trẻ sơ sinh
Trong năm đầu đời, trọng lượng chung của các bé thường gấp 3 về cân nặng và gấp đôi về chiều cao. Sau 1 tuổi, tốc độ tăng trưởng này sẽ chậm hơn khi trẻ phát triển nhiều hơn các kỹ năng vận động như tập đi, chạy, nhảy…
Thông thường, cân nặng của các bé trong năm đầu đời phát triển như sau (số liệu từ Kindergesundheit.de)
- 0-2m: 170-330g/ tuần
- 2-4m: 110-330g/tuần
- 4-6m: 70-140g tuần
- 6-12m: 40-110g/ tuần
Số liệu từ chuyên gia dinh dưỡng Đức Doreen Buceta
- 0-3m: khoảng. 200g/tuần
- 3-6m: khoảng 100-140g/tuần
- Trong 6 tháng: gấp đôi cân nặng từ lúc sinh ra
- 6–12m: khoảng 40-90g/tuần
Số đo tham khảo về chiều cao cân nặng theo Hiệp hội dinh dưỡng Đức- Áo-Thụy Sĩ 2013
- 0-4m: Bé trai 57,9cm – 5,1kg; Bé gái 56,5cm- 4,7kg
- 4-12m: Bé trai: 70,8cm; 8,7kg ; Bé gái 68,9cm- 8,1kg
- 1-4 tuổi: Bé trai 90,9cm- 13,5kg; Bé gái 90,5cm- 13kg
Đây là số liệu tăng trưởng dành cho các bé Âu- Mỹ, các bé châu Á thường nhẹ cân hơn. Bé trai cũng thường nặng cân và dài hơn bé gái.
*Lưu ý quan trọng: Số liệu chỉ là dữ liệu để tham khảo, không phải là tiêu chí để đánh giá, vì tốc độ phát triển của mỗi bé là khác nhau phụ thuộc vào chế độ dinh dưỡng, gen di truyền, hoàn cảnh sống…
Quan trọng nhất vẫn luôn là tinh thần nuôi con thoải mái, không nên cân đo đong đếm con mỗi tuần. Cũng không nên quá áp lực khi 1-2 tháng con tăng ít hoặc không tăng cân.
Cũng theo kindergesunheit.de, các dấu hiệu bạn không cần lo lắng là khi:
- Nếu bé có làn da hồng hào, khỏe khoắn, năng động khi thức dậy, quan tâm và hiếu kỳ với mọi vật xung quanh
- Bé có từ 1-2 chiếc tã ướt trong ngày, được bú mẹ hoặc uống sữa thường xuyên…
Các dấu hiệu cần thăm khám bác sĩ: nếu bé thường xuyên nôn trớ, bé quá hốc hác, luôn trong trạng thái mệt mỏi, quá xanh xao…
2.Nguyên nhân trẻ Toddler không tăng cân và giải pháp giúp trẻ tăng cân
2.1.Những lý do để một đứa trẻ nhẹ cân xét trên góc độ khoa học
- Tỷ lệ mỡ cơ thể trong khối cơ thể quá thấp
- Trong 1 số giai đoạn tăng trưởng, mọi thứ tập trung theo hướng phát triển chiều dài và cân nặng phát triển sau đó.
- Cân nặng cũng mang tính chất di truyền. Các chuyên gia ước tính trọng lượng cơ thể được xác định trong bộ gen – lên đến 70%. Ở một đứa trẻ trong một gia đình có nhiều người cao và mảnh khảnh thì dĩ nhiên trẻ cũng sẽ không béo, lượng calo hấp thụ và tiêu thụ cũng theo hướng “bốc hơi nhanh chóng” (Focus.de).
2.2 Quan điểm từ chuyên gia về cân nặng của trẻ
Một đứa trẻ khỏe mạnh, gầy một chút, bé một chút nhưng luôn vui tươi, năng động, thì không có lý do gì để bạn phải lo lắng và quá phiền lòng.
Trong trường hợp bạn nghi ngờ con quá bé nhỏ so với các bạn cùng lứa, một cuộc kiểm tra với bác sĩ nhi khoa để loại bỏ các yếu tố bệnh lý sẽ giúp bạn yên tâm hơn.
Nếu trẻ hoàn toàn khỏe mạnh, chạy nhảy nô đùa hoạt bát, hãy gạt đi tảng đá vẫn đè nặng lên tim bạn và vui vẻ về điều đó. Trẻ không tăng cân, trẻ gầy không đồng nghĩa với thiếu chất.
Còn lại, nếu như con bé nhỏ chỉ nằm ở cảm giác của bạn, thì việc đầu tiên cần nghĩ đến là thay đổi dinh dưỡng cho con bằng một chế độ ăn cân bằng và lành mạnh. Ngoài yếu tố di truyền, gen riêng lẻ, thì dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng đối với sự tăng trưởng của trẻ.
Vì vậy cha mẹ không nên coi truyện cân nặng là sức ép và đừng quá áp lực về dinh dưỡng, chỉ cần đảm bảo con được ăn uống cân bằng, lành mạnh, trẻ cũng sẽ luôn phát triển khỏe mạnh.
2.3.Tình huống trẻ ăn nhiều mà không tăng cân
Một bà mẹ có con 3 tuổi thắc mắc: con cô ăn uống rất tốt nhưng không hiểu vì sao cân nặng không thay đổi. Cô nghi ngờ có thể do con hấp thụ không tốt. Làm thế nào để giúp con tăng cân?
Nếu có nghi ngờ đường tiêu hóa của con có vấn đề, một cuộc kiểm tra với bác sĩ nhi khoa là cần thiết. Tuy nhiên nếu con bạn đang không có hiện tượng đi ngoài, táo bón, đau bụng… thì các yếu tố bệnh lý không phải là lý do bạn cần lo ngại.
Hãy xem xét có thể xét ở 2 nguyên nhân sau:
- Trẻ ăn nhiều nhưng năng vận động, chạy nhảy nhiều thì năng lượng thu vào và năng lượng tiêu hao bằng nhau. Vì vậy trẻ không tăng cân là bình thường.
- Trẻ ăn nhiều, vận động ít nhưng không tăng cân, cần xem lại chất lượng thức ăn. Bé ăn số lượng nhiều nhưng chất dinh dưỡng kém, lượng calo ít sẽ không tăng cân.
Ví dụ, năng lượng của một quả trứng luộc sẽ khác so với một quả trứng bác, dù kích cỡ bằng nhau. Một quả Oliu sẽ có năng lượng nhỉnh hơn so với 1 quả nho dù kích cỡ bằng nhau. Một chiếc bánh mỳ năng lượng cũng cao hơn so với lượng cơm tương đương, hoặc 100g thịt lợn xay khác với 100g thịt bò xay…
2.4. Trẻ ăn ít cân không tăng
Điều này là hiển nhiên, năng lượng nạp vào thấp hơn năng lượng tiêu thụ thì cân nặng không tăng.
3. Làm thế nào giúp trẻ tăng cân (11 giải pháp giúp trẻ tăng cân)
Một trong những sai lầm thường thấy mà những bà mẹ hoảng hốt hay mắc phải là tìm đến sự hỗ trợ từ các thực phẩm bổ sung để giúp con ăn nhiều hơn và tăng cân. Bạn nóng lòng muốn cải thiện chuyện cân nặng trước mắt cho con trước khi kịp nghĩ: bổ sung thực phẩm một cách thiếu khoa học liệu có để lại những hệ quả lâu dài?
Là một bà mẹ của hai đứa trẻ, mình hoàn toàn có thể đồng cảm được với nỗi lo lắng trong lòng bạn. Bới cũng có giai đoạn khi con ốm và gầy sụt đi trông thấy, bản thân người làm mẹ luôn cảm thấy xót xa.
Tuy nhiên, trước khi cuồng cuồng tìm biện pháp tác động từ bên ngoài chỉ để con tăng 1-2 cân nhanh chóng rồi cũng lại giảm đi nhanh chóng, hãy tìm cách thay đổi thể chất cho con bạn từ bên trong. Cũng giống như một cái cây xum xuê cành lá, sự khỏe mạnh đều bắt đầu từ gốc rễ chứ không phải trên ngọn.
Ngày nay, khoa học cũng đã chứng minh, một cơ thể khỏe mạnh luôn phải bắt đầu từ một chế độ dinh dưỡng lành mạnh và thực phẩm giàu chất lượng. Để nuôi dưỡng một đứa trẻ khỏe mạnh cũng cần phải bắt đầu từ chế độ ăn uống khoa học, giàu dinh dưỡng, lành mạnh và cân bằng.
11 giải pháp giúp cải thiện cân nặng cho trẻ
1. Tập trung vào chất lượng bữa ăn chất lượng cao bằng cách tăng cường các thực phẩm năng lượng cao thay vì tập trung vào số lượng.
Ví dụ: Hoa quả có chuối, nho, quả bơ, cherry. Tinh bột giàu năng lượng: ngoài cơm còn có khoai tây, bánh mì ngũ cốc, bánh bao ngũ cốc, các loại mì, nui… Protein chất lượng cao: thịt, cá, trứng, tôm… Sữa: pho mát 45% chất béo, sữa chua tự nhiên…
(Có thể tham khảo thêm một số liệt kê hàm lượng năng lượng ở dưới, số liệu chỉ mang tính chất tham khảo để bạn thay đổi thực đơn món ăn cho bé)
2. Xem lại lượng đồ uống/ sữa bé uống có quá nhiều để khiến con bạn no vì nước hay không. Nếu đây là nguyên nhân chỉ cần điều chỉnh lại, chỉ cần đảm bảo con bạn no bằng thức ăn.
3. Chia nhỏ bữa ăn thành 5 bữa/ngày, trong đó có 3 bữa chính và 2 bữa phụ lành mạnh để bổ sung dinh dưỡng. Có những trẻ đơn giản là thích ăn một lượng nhỏ trong từng bữa, nhưng lại thích ăn thành nhiều bữa. Có thể trong 1 bữa bé ăn ít, nhưng tổng năng lượng trong 1 ngày lại đủ cho nhu cầu của bé
4. Thay đổi luân phiên hoặc kết hợp các sản phẩm ngũ cốc như bánh mì, cơm, mì, khoai tây, ngô…
5. Đa dạng thực phẩm với lượng calo bổ sung như: các loại nước sốt rau củ thay vì rau củ luộc, thịt hầm với kem sữa, ngũ cốc sữa với hoa quả thay vì chỉ uống sữa không…
6. Chất béo như dầu ăn, bơ cũng nên có mặt trong bữa ăn hàng ngày với một lượng nhỏ. Ưu tiên các nguồn cung cấp chất béo tốt từ quả bơ, dầu Oliu, dầu hạt cải…
7. Chế biến món ăn thân thiện với trẻ nhỏ, chẳng hạn như với các món thịt, cá, ưu tiên chế biến ở dạng dễ ăn như thịt băm, thịt hầm, … mềm sẽ dễ ăn hơn cho bé thay vì để nguyên miếng thường dai khó ăn.
Với các món rau, thường các bé sẽ thích ăn rau ở dạng nước sốt, rau có vị ngọt hơn là các loại rau ăn lá.
Với cơm, bạn cũng có thể trộn thêm 1 chút dầu ăn hoặc 1 chút bơ cho bé hương vị chất béo cũng làm cho cơm ngon hơn.
7. Hạn chế đồ ăn ngọt, vì đồ ngọt thường tạo cảm giác no nhanh.
8.Con bạn “ăn bằng mắt”: đa dạng màu sắc thực phẩm, hình thức chế biến để hấp dẫn trẻ. Trẻ con thường thích màu sắc, ví dụ một chiếc bánh bao có màu xanh, vàng thường hấp dẫn hơn là màu trắng…
9. Ăn những bữa ăn cùng nhau, vui vẻ giúp con ăn ngon, và ăn cùng bố mẹ bao giờ cũng ngon hơn ăn một mình
10. Cho con tham gia vào khâu chuẩn bị bữa ăn nhằm kích thích sự thèm ăn thông qua các giác quan.
11. Kết hợp vận động hợp lý để tiêu hóa năng lượng và tạo cảm giác đói.
5. Một số thực phẩm có năng lượng cao giúp trẻ tăng cân
(Hàm lượng năng lượng calo tính trên 100g thực phẩm)
Ngũ cốc | Hoa quả | Các loại hạt | Trứng và sữa | Cà | Thịt | Rau | Dầu ăn |
Bánh mì 244 kcal | Mơ khô 274 kcal | Lạc 587 kcal | Lòng đỏ trứng 353 | Cá trích 233 | Ức cừu 381 | Đậu Hà Lan nấu chín 128 kcal | Dầu Oliu 900kcal |
Yến mạch: 368 kcal | Quả bơ 234 kcal | Hạnh nhân 610 kcal | Trứng cả quả 155 | Cá ngừ 226 | Đùi ngan 179 kcal | Súp lơ xanh nấu chín 85 | Dầu Óc chó 900kcal |
Gạo lứt: 128 kcal | Mứt cam 279 kcal | Hạt hướng dương 593 kcal | Kem sữa 288 | Cá hồi 202 kcal | Thịt lợn xay 179l | Khoai tây luộc nguyên vỏ 75kcal | Dầu vừng 900kcal |
Quả bơ 234 kcal | Đậu lăng 312 kcal | Pho mát Gouda 45% chất béo 364 kcal | Cá chép 115 kcal | Đùi gà 173 kcal | Bắp cải chín 50 | Dầu đậu nành 900kcal | |
Chuối 92 kcal | Mozzarella 263 kcal | Cá ngừ ngâm dầu 283 | Thịt bò xay 161;Thịt bò filet 121 | Cà rốt nấu chín 49 kcal | |||
Nho 73 kcal | Thịt dê 149 | Súp lơ trắng nấu chín 41 kcal |
6. Một số món ăn giúp trẻ tăng cân
TRỨNG ỐP PHO MÁT (ăn cùng cơm hoặc bánh mì)
Nguyên liệu
- 1 quả trứng
- 1 thìa whipping cream (hoặc thay bằng 1 thìa sữa tươi)
- 1 thìa bơ ( dầu ăn)
- 15g pho mát bào
- 2 quả cà chua bi (có thể không cần cho)
- 1 chút hành lá tươi,
- Muối, tiêu vừa đủ
Cách làm
Trứng + sữa đánh đều, thêm hành, muối, tiêu vào trộn đều
Làm nóng bơ trong chảo, cho trứng vào tráng, phủ pho mát + cà chua lên trên rồi cuộn lại, rán đến chín là được
SINH TỐ BƠ CHUỐI
½ quả chuối + 1/ quả bơ xay nhuyễn với 100ml sữa tươi cho bữa phụ, thêm chút bột cacao
FANCAKE CHUỐI
½ quả chuối nghiền nhỏ + 1 quả trứng + 50g bột mì, tất cả trộn đều. Cho chút dầu vào chảo, tráng bột theo lòng chảo rán đến hết chỗ bột sẽ cho khoảng 3-4 chiếc bánh. Có thể ăn kèm với chút mứt hoa quả hoặc mật ong.
KHOAI TÂY NGHIỀN SỮA
250g khoai tây luộc chín bóc vỏ, nghiền mịn.
80ml sữa tươi + 5g bơ, đun sôi sữa và bơ rồi trộn đều với khoai tây đã nghiền mịn. Thêm chút gia vị cho vừa ăn.
Ăn kèm với cá hồi áp chảo hoặc thịt bò hầm hoặc trứng bác.
Kết luận
Để một đứa trẻ cao lớn, khỏe mạnh, phụ thuộc vào rất nhiều dinh dưỡng và chế độ vận động. Tuy nhiên, thay vì lo lắng chuyện cân nặng của trẻ, hãy tập trung vào một chế độ ăn uống lành mạnh, cân bằng và vận động hợp lý.
Ăn để khỏe rất quan trọng đối với cuộc sống của chúng ta. Ăn uống lành mạnh cho trẻ và gia đình là nền tảng của sức khỏe.
Leave a Comment