(Bé ném đồ ăn thường xuyên, nguyên nhân và giải pháp khắc phục)
Coong…
Bữa ăn chưa kết thúc thì em bé 18 tháng tuổi của bạn gạt tay hất luôn cả khay thức ăn xuống sàn nhà. Thức ăn vung vãi khắp nơi. Bạn vừa ôm đầu than trời, giương mắt quát con: “Không, mẹ nói rồi, con không làm như thế nữa đâu” thì phát hiện ra cốc nước bên cạnh cũng đã đổ tung tóe. Đứa trẻ của bạn còn đang thích chí nhìn dòng nước chảy tong tong xuống nền nhà. Con còn cố với tay ra để đập đập nước bắn lên.
Làm thế nào để không phát điên khi đây là lần thứ n con ném đồ ăn. Có đứa trẻ nào cũng giống con bạn không? Làm thế nào để trẻ Toddler không tiếp tục ném đồ ăn nữa?
Đọc thêm : Làm thế nào để con chịu ăn khi không có tivi và Ipad
Contents
1. Tại sao bé ném đồ ăn?
Nhiều cha mẹ đều không thể hiểu nổi, trong khi có những đứa trẻ ngồi ngoan ngoãn ở bàn ăn thì bé nhà mình lại hay ném đồ ăn hoặc bát đĩa khi ăn. Đâu là cơ sở giúp bạn hiểu rằng: những hành vi bé ném đồ ăn là hoàn toàn bình thường trong một số giai đoạn phát triển của trẻ?
Chuyên gia giáo dục Danielle Graf giải thích: “Việc ném đồ vật xuống có thể có nhiều nguyên nhân khác nhau. Trong hầu hết các trường hợp, bọn trẻ chỉ thích nghiên cứu nguyên lý nhân quả: cái đĩa rơi xuống – phát ra tiếng động buồn cười – mẹ mắng. “Mẹ có mắng khi mình ném thìa không?” “Hay bánh mì? Ồ – chiếc bánh mì rơi nghe rất khác với cái đĩa, thật thú vị!”
Vậy đấy, nếu có thể hiểu được ngôn ngữ của trẻ, hẳn mọi chuyện sẽ trở nên dễ dàng. Những đứa trẻ phát triển khi chúng ưa học hỏi và khám phá thế giới quan theo cách riêng, dù cách làm của chúng đôi lúc khiến các bậc cha mẹ cảm thấy phiền lòng.
2. Bản chất và lý do của việc bé ném đồ ăn
Ở độ tuổi dưới 2, khi các kỹ năng vận động thô và vận động tinh chưa hoàn thiện, nhất là trẻ đang trong giai đoạn nguyên nhân và kết quả, trẻ liên tục thử nghiệm xem điều gì sẽ xảy ra khi chúng làm một điều gì đó.
Lần đầu tiên khi bé ném đồ ăn hay thức ăn rơi, đĩa rơi, có thể là ngoài mong muốn của trẻ. Nhưng những lần sau được cố tình lặp lại, trẻ đơn giản là muốn khám phá mối liên hệ qua lại giữa đồ vật và môi trường (theo thế giới quan của chúng):
- Nếu thức ăn được ném đi, nó có rơi nữa không?
- Nó có phát ra tiếng kêu không?
- Cha mẹ sẽ phản ứng thế nào? …
Thức ăn đôi khi thuộc một phần về trò chơi mà qua đó trẻ học hỏi được nhiều thứ.
Cũng ở độ tuổi này, trẻ chưa biết bày tỏ mong muốn thông qua lời nói, vì vậy chúng học cách phát triển các ngôn ngữ và tín hiệu của riêng mình: bé ném đồ ăn, bóp bét đồ ăn trong lòng bàn tay (để cảm nhận). Ném thức ăn, hất tung những chiếc đĩa để tạo ra tiếng ồn, để gây sự chú ý từ cha mẹ…
Thông qua các hoạt động này, trẻ học được về nguyên nhân, kết quả và hậu quả (không phải là các phản ứng từ cha mẹ):
- Khi đĩa rơi chúng tạo ra âm thanh
- Đĩa rơi – phản ứng từ cha mẹ: quát mắng, ngăn chúng lại, dọn đồ ăn…
- Thức ăn rơi – nghe khác với đĩa rơi.
- Nước đổ ra ngoài – dòng nước chảy. (Khác với của người lớn, chúng ta ý thức được nước đổ đồng nghĩa với ướt, bẩn, nhưng trẻ thì chưa phân biệt được điều này).
Nếu quan sát con nhiều hơn bạn cũng sẽ nhận ra, các phản ứng này không chỉ diễn ra với thức ăn, ngay cả trong các hoạt động vui chơi thông thường: bé ném đồ chơi, trẻ cho tay vào miệng (nhiều bà mẹ thường cố rút tay con ra vì sợ mất vệ sinh)… Mỗi một giai đoạn, trẻ đều tìm cách học hỏi khác nhau vì đặc tính của con trẻ là tò mò và ưa khám phá
3. Cha mẹ hiểu được gì khi bé ném đồ ăn hay qua tín hiệu của đĩa rơi: Trẻ muốn nói gì?
Ngoài lý do về nguyên nhân- kết quả, dựa trên sự quan sát biểu hiện từ đứa trẻ, cha mẹ cũng có thể nhận biết điều trẻ muốn nói: Con đã no và chán, con không muốn tiếp tục ăn nữa. Vì vậy khi trẻ Toddler ném đồ ăn, hãy chú ý đến các tình huống sau
- Nếu cha mẹ không để ý rằng trẻ đã no, việc phải ngồi trước bàn ăn sẽ sinh ra nhàm chán và bé sẽ bắt đầu chơi, bé ném đồ ăn hoặc dao dĩa xuống bàn.
- Nếu cha mẹ dọn dẹp đồ đi và kết thúc bữa ăn ngay lập tức trẻ mặc định hiểu rằng, khi đã no hoặc chán, chúng chỉ cần ném đồ ăn để ra hiệu rằng mình muốn kết thúc.
- Nếu bạn phản ứng bằng cách mắng trẻ, trẻ cũng không hiểu được tại sao cha mẹ lại tức giận và tại sao mình phải chịu trách nhiệm về việc ném đồ của mình. Nhưng cũng trong mối liên hệ nguyên nhân kết quả, trẻ nhận thấy rằng: nếu mình ném đĩa – bố mẹ sẽ lớn tiếng (thật thú vị- nên có thể thức ăn sẽ vẫn tiếp tục được ném đi)
Cả ba giả thiết này nếu bạn đã từng thực hiện đều không tạo ra những quy trình ăn uống thuận lợi. Đó là lý do bạn cần chú ý đến các tín hiệu của trẻ.
4. Cách ứng xử nào dành cho cha mẹ khi bé hay ném đồ ăn?
Theo Dagmar Gericke người sáng lập của Kinder in Bewegung:
“Những gì con bạn đang làm ngay bây giờ là một phần của sự phát triển của chúng. Và cũng giống như một phần của quá trình tiến hóa của nó là nó sẽ ngừng làm việc đó. Bất kể bạn đã làm gì. Biết được điều này sẽ giúp bạn bớt căng thẳng vì bạn không cần phải làm điều gì để thay đổi hành vi của con”.
Nghĩa là dù bạn có làm gì đi chăng nữa, một lúc nào đó các hoạt động này vẫn sẽ dừng lại.
- Nếu bạn chọn cách can thiệp: mắng con, cấm đoán con, kết thúc bữa ăn ngay lập tức – với một số trẻ sẽ có tác dụng: trẻ sợ và dừng lại, nhưng cũng đồng nghĩa với việc trẻ cảm nhận tình yêu thương từ cha mẹ dường như đang bị rút lại. Một số trẻ thì không có tác dụng, vì cấm đoán ở một mặt nào đó kích thích những đứa trẻ làm điều ngược lại với mong muốn của cha mẹ.
- Nếu bạn không can thiệp vào hành vi của con, một lúc nào đó khi đã đủ, con cũng sẽ dừng lại.
Trong hai cách này, chọn cách nào là tùy thuộc ở bạn. Nhưng trong mọi trường hợp: quát mắng, trừng phạt thường không đem lại kết quả tích cực, hãy học cách hiểu con bạn, hãy tìm ra những giải pháp phù hợp, những bữa ăn sẽ luôn diễn ra trong hòa bình.
Nếu quan điểm giáo dục theo hướng tự nhiên từ Dagmar Gericke không đủ để bạn an tâm, thì một vài gợi ý từ Katja Seide (Tác giả sách) có thể sẽ giúp ích cho bạn đối phó với tình huống bé ném đồ ăn hay bát đĩa:
- “Sử dụng đĩa thật – đĩa chỉ rơi 1 lần sau đó sẽ khác. Nếu trẻ làm vỡ bát đĩa có thể chúng sẽ ngạc nhiên đến mức không còn ném bát đĩa nữa”. Bạn càng ít phản ứng với hành vi này của trẻ, nó càng trở lên kém thú vị. Mẹo là, hãy sử dụng những chiếc bát đĩa cũ và không quá giá trị để bạn không phải tiếc nuối khi chúng vỡ.
- Hướng dẫn trẻ một tín hiệu đầy đủ: Khi bé ném đồ ăn, hoặc bé ném bát đĩa xuống sàn, hãy nhặt đĩa lên, rồi đẩy đĩa ra giữa bàn, kèm theo lắc đầu hoặc xua tay, khi bạn làm vài lần như vậy, bé sẽ học được cách là khi không muốn ăn chỉ cần đẩy đĩa ra giữa bàn thay vì bé ném đồ ăn là tín hiệu chỉ bé đã no.
Nếu lần sau chiếc đĩa lại rơi, bé lại ném đồ ăn bạn chỉ cần bình tĩnh nhặt chúng lên, để trước mặt trẻ, và đẩy chúng về phía trước bàn, trẻ sẽ học được cách ra hiệu khi đã no: chỉ cần đẩy chiếc đĩa về phía trước là mẹ hiểu con muốn kết thúc bữa ăn.
Đến đây có thể bạn đã hiểu được rõ ràng hơn nguyên nhân bé ném đồ ăn. Việc ứng xử với trẻ trong ăn uống đôi khi sẽ không trở lên quá tồi tệ và khó khăn, khi bạn hiểu được ngôn ngữ của trẻ và giao tiếp với chúng theo ngôn ngữ trẻ thơ.
Hãy luôn quan sát với thái độ bình tĩnh và kiên nhẫn, chắc chắn bạn sẽ tìm ra con đường tốt nhất để giao tiếp với con bạn.
Tìm hiểu thêm về ăn dặm khoa học tại đây
Leave a Comment