Nhu cầu dinh dưỡng của trẻ 1-3 tuổi cần chú ý những gì?
Để phát triển cao lớn và khỏe mạnh, trẻ cần rất nhiều chất dinh dưỡng. Những chất dinh dưỡng cơ bản như tinh bột, chất béo, chất đạm, vitamin và khoáng chất đóng vai trò quan trọng cho sự phát triển của trẻ. Một bữa ăn cân bằng cho trẻ nên có đầy đủ các thành phần dinh dưỡng này. Nếu bạn thường xuyên nấu ăn với những thực phẩm đa dạng và tươi ngon, trẻ cũng sẽ luôn nhận được đủ những dinh dưỡng cần thiết.
Bài viết này cung cấp cho bạn những thông tin tổng quan nhất về nhu cầu dinh dưỡng cơ bản cho trẻ từ 1-3 tuổi.
Contents
Nhu cầu dinh dưỡng của trẻ 1-3 tuổi: Vitamin và khoáng chất
Nhu cầu về canxi
Trong nhu cầu dinh dưỡng của trẻ 1-3 tuổi canxi đóng một vai trò quan trọng. Canxi cần thiết cho sự hình thành tế bào xương, giúp cho xương và răng chắc khỏe. Ở độ tuổi 1-3, trẻ cần khoảng 600 mg canxi/ ngày. Canxi có nhiều trong sữa và các sản phẩm từ sữa hoặc các loại rau có màu xanh đậm.
Để đáp ứng lượng canxi cần thiết hàng ngày cho trẻ, hãy thường xuyên cung cấp các món ăn giàu canxi. Kết hợp các món ăn như: Bánh mì và phô mai, sữa chua và các loại hạt, các loại rau màu xanh đậm, sữa tươi… giúp trẻ nhận được nguồn canxi tự nhiên dễ hấp thụ.
Nhu cầu vitamin D cần thiết cho sự phát triển của trẻ
Vitamin D giúp tổng hợp canxi và phốt phát, có tác dụng trong quá trình hình thành xương và răng.
– Thiếu vitamin D: dẫn đến còi xương, giảm sức mạnh cơ bắp, tăng tính nhạy cảm với các bệnh nhiễm trùng có thể do thiếu vitamin D
– Thừa VTM D: canxi lắng đọng thành mạch máu, phổi, thận, lâu dài dẫn đến sỏi thận…
Vitamin D rất quan trọng nhưng việc bổ sung vitamin D cần khoa học và đúng liều lượng. Theo khuyến nghị từ hiệp hội dinh dưỡng Đức DGE, trẻ từ 1 tuổi cần lượng canxi là 20mg/ ngày. Lượng này có thể được hình thành qua ánh nắng mặt trời 80-90% và qua ăn uống.
Trường hợp không có cơ chế tổng hợp nội sinh: trẻ ít hoặc không tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, thì dùng chế phẩm với hàm lượng 20mg/ ngày là đủ. Trẻ ở năm thứ 2 của cuộc đời (2 tuổi) chỉ nên bổ sung dự phòng vào mùa đông. Các tháng mùa hè, hãy chú ý đến thời gian hoạt động ngoài trời cho trẻ.
*Lưu ý: không tự ý bổ sung vitamin D nếu không có sự chỉ định từ bác sĩ.
Các thực phẩm giàu vitamin D: cá giàu chất béo như cá trích, cá hồi, nấm, trứng, các sản phẩm từ sữa…
Nhu cầu sắt của trẻ từ 1-3 tuổi trong khoảng 8mg/ngày
Sắt chịu trách nhiệm vận chuyển oxy trong cơ thể giúp cơ và xương khỏe mạnh.
Một số thực phẩm nhiều sắt: Các loại thịt, yến mạch, các loại quả màu đỏ, rau chân vịt, cây họ đậu. Tuy nhiên cũng giống như đạm, mặc dù sắt có nhiều trong thịt, nhất là các loại thịt đỏ tuy nhiên cần cho trẻ tiêu thụ thịt có chừng mực.
Iot (iốt) : Tham gia vào quá trình hình thành hormon tuyến giáp, quan trọng cho sự tăng trưởng của xương và sự phát triển não bộ. Một số thực phẩm nhiều iot: hải sản, súp lơ trắng, muối iot, cá tuyết
Vitamin B12 (1,0mg/ ngày)
Cần thiết cho sự hình thành các tế bào hồng cầu, bảo vệ hệ tuần hoàn. Đặc biệt, vitamin B12: chỉ có ở thực phẩm động vật. Một số thực phẩm giàu vitamin B12: Cá, trứng, phô mai, sữa, thịt
Magie
Cần cho sự phát triển cơ bắp, xương và răng khỏe mạnh. Magie có nhiều trong các sản phẩm ngũ cốc nguyên cám, sữa và các sản phẩm từ sữa, nước khoáng tự nhiên, thịt gia cầm, cá, chuối, khoai tây…
Nhu cầu rau củ và hoa quả
Là một nguồn cung cấp vitamin, chất xơ và các loại khoáng chất dồi dào, rau củ chiếm một vai trò quan trọng trong chế độ ăn lành mạnh cho trẻ nhỏ.
Theo khuyến nghị từ hiệp hội dinh dưỡng Đức: trẻ nhỏ nên được ăn 2 phần hoa quả và 3 phần rau củ mỗi ngày. Rau củ tốt nhất luôn theo mùa sẽ tránh được các loại chất bảo quản và hàm lượng vitamin luôn có mức cao hơn so với hoa quả trái mùa.
Trẻ từ 1-3 tuổi cũng sẽ có những giai đoạn kén ăn rau củ, chỉ cần trẻ ăn được từ 2-3 loại rau, 2-3 loại hoa quả, bạn không cần phải lo lắng.
Kén ăn rau cũng chỉ là giai đoạn tạm thời đặc trưng của lứa tuổi, theo thời gian, trẻ sẽ học được cách ăn uống cân bằng nếu bạn kiên trì giới thiệu những thức ăn lành mạnh cho trẻ bằng cách:
Luôn cung cấp đều đặn và đa dạng rau củ trong bữa ăn để trẻ học cách thích nghi tốt hơn. Trong mọi trường hợp không ép trẻ ăn.
Lượng rau củ khuyến nghị cho trẻ trong ngày khoảng 3 lần, mỗi lần 45g (tương đương với 1-2 nắm tay)
Nhu cầu về chất đạm
Đạm (protein) rất quan trọng cho các giai đoạn tăng trưởng và phát triển của trẻ. Trẻ từ 1-3 tuổi có thể tính nhu cầu đạm theo công thức 1g x kg trọng lượng cơ thể. Ví dụ trẻ nặng 15kg, có nhu cầu đạm là 1×15= 15g/ ngày.
Thịt, cá, trứng là nguồn cung cấp đạm dồi dào từ nhóm động vật. Tuy nhiên chỉ nên sử dụng với lượng vừa phải vì chúng cũng có hàm lượng cholesterol cao và purin là những chất bất lợi cho cơ thể.
Lượng thịt trẻ từ 1-3 tuổi nên ăn mỗi ngày là khoảng 35g, không nhất thiết phải ngày nào cũng ăn thịt cá.
Cá biển chứa hàm lượng Iốt cao và axit béo Omega 3- một loại axit béo tốt cần thiết cho sự phát triển trí não. Trẻ nên được ăn các loại cá một lần/ tuần, 30g/ngày.
Trứng cũng có mặt trong một chế độ ăn uống cân bằng cho trẻ. Tuy nhiên, trứng cũng là thực phẩm mà trẻ không nên ăn quá nhiều. Trẻ từ 1-3 tuổi nên ăn từ 1-2 quả trứng/ tuần.
Ngoài ra, nguồn đạm cũng có trong các thực phẩm thực vật như rau củ họ nhà đỗ, các loại đậu. Chú ý cân bằng giữa đạm động vật và đạm thực vật theo tỉ lệ ⅓ đạm động vật và ⅔ đạm thực vật sẽ tốt cho sức khỏe.
Nhu cầu về tinh bột từ nhóm thực phẩm ngũ cốc và các sản phẩm từ ngũ cốc
Nhóm thực phẩm này bao gồm bánh mì, yến mạch, các loại mì nui nguyên cám, gạo tự nhiên (gạo lứt), khoai tây. Đây là nguồn cung cấp Carbohydrate, chất xơ, đạm thực vật, vitamin và các loại khoáng chất cho trẻ nhỏ, giúp cung cấp năng lượng giúp trẻ no lâu.
Bánh mì từ ngũ cốc dạng mịn cũng là thực phẩm thích hợp trẻ trẻ giai đoạn mới biết đi chuyển đổi từ hình thức ăn thức ăn bổ sung sang bữa ăn gia đình.
Trẻ từ 1-3 tuổi cần khoảng 130g khoai/mì/cơm mỗi ngày (tương đương khoảng 2 nắm tay), 105g bánh mì, ngũ cốc (khoảng 1 lát bánh mì và 2 nắm tay ngũ cốc)
Nhu cầu về chất béo (nhu cầu dinh dưỡng cho trẻ 1-3 tuổi)
Chất béo có một vai trò rất quan trọng. Chúng bảo vệ các cơ quan và là kho dự trữ năng lượng lâu dài của cơ thể. Và cũng rất cần thiết cho sự phát triển của trẻ.
Nhưng hàm lượng năng lượng trong chất béo rất cao, nên cần được sử dụng hợp lý với số lượng nhỏ. Trẻ từ 1-3 tuổi nhu cầu về chất béo tối đa là 20g/ngày.
Dầu và chất béo thực vật chứa nhiều vitamin và hàm lượng axit béo thiết yếu, là thành phần quan trọng cân bằng dinh dưỡng cho trẻ. Hệ thống miễn dịch của em bé không chỉ cần vitamin, khoáng chất… mà còn cần dầu và chất béo. Các loại dầu thực vật được khuyên dùng là dầu hạt cải, dầu óc chó, dầu Oliu. Nên sử dụng dầu ép lạnh hơn là dầu tinh chế.
Trong các loại dầu ăn thì dầu hạt cải chiếm nhiều ưu thế cho trẻ nhỏ. Đây là loại dầu có thành phần chất béo tốt. Với hàm lượng 56% axit béo bão hòa đơn, 31% axit béo bão hòa đa, gần như không mùi và hầu như không chứa cholesterol. Vì thế dầu hạt cải là loại dầu hàng đầu được khuyên sử dụng bởi các chuyên gia.
Loại dầu này cũng chứa Omega 3. Một loại axit béo có nhiều tác dụng phòng ngừa khác nhau cho cơ thể. Chống vôi hóa mạch máu, giảm Cholesterol, ức chế phản ứng viêm… là các tác dụng tích cực của các loại dầu ăn giàu axit béo bão hòa đa. Ngoài ra dầu hạt cải cũng rất đa năng, có thể sử dụng trực tiếp trong các món nấu hoặc salad.
Dầu Ô liu
Hàm lượng axit béo bão hòa 15% , 74% axit béo bão hòa đơn, 11% axit béo bão hòa đa. Căn cứ từ tỷ lệ phần trăm các hàm lượng axit béo này cho thấy dầu Oliu rất tốt cho sức khỏe. Cũng là một loại dầu nên được sử dụng phổ biến. Do không phù hợp chế biến ở nhiệt độ cao, dầu Oliu thường có mặt trong các món salad, rau củ trộn, hoặc các món mì nguội.
Nhược điểm của dầu Oliu là có mùi khá đặc trưng nên có thể hơi khó ăn với những em bé nhạy cảm với mùi vị.
Bơ
Một chất béo động vật cũng nên được dùng trong chế độ ăn của trẻ. Tuy nhiên chỉ nên sử dụng với hàm lượng nhỏ và vừa phải.
Mỡ lợn
Cũng có thể được dùng do hàm lượng axit bão hòa cao nên thích hợp cho các món chiên rán. Tuy nhiên, không nên sử dụng thường xuyên do mỡ động vật có chứa cholesterol.
Như vậy, thế giới các loại dầu và chất béo cũng rất phong phú. Tùy thuộc vào nhu cầu cũng như khả năng kinh tế để bạn có thể lựa chọn.
Bất kì một loại thức ăn nào cũng có thể là những thức ăn bổ dưỡng nếu bạn sử dụng liều lượng đúng mực. Ngược lại chúng cũng có thể trở thành nhân tố có hại nếu sử dụng với liều lượng cao. Giống như ngạn ngữ phương tây có câu „ Liều lượng làm nên thuốc độc“. Vì vậy hãy sử dụng chất béo điều độ và cân bằng.
Nhu cầu về nước uống: trẻ uống nước bao nhiêu là đủ?
Nước rất quan trọng cho quá trình trao đổi chất của cơ thể người và nhu cầu về chất lỏng cũng đặc biệt cao ở trẻ nhỏ.
Thông thường cha mẹ hay chú ý đến việc hôm nay con ăn gì, ăn được bao nhiêu nhưng ít khi để ý đến việc con nên uống nước bao nhiêu. Hoặc do một số trẻ cũng không thích uống nước. Điều quan trọng là bạn cần giúp trẻ hình thành thói quen uống nước hàng ngày.
Theo khuyến nghị từ Viện nghiên cứu dinh dưỡng trẻ em Bochum- Đức:
- Trẻ em từ 1-3 tuổi cần khoảng 660ml/ ngày. Tương đương với 6 lần uống, mỗi lần khoảng 110ml
- Trẻ em từ 3 tuổi cần khoảng 800ml/ ngày. Tương đương với 6 lần uống, mỗi lần khoảng 135ml
Thực tế trẻ có thể uống ít hơn hoặc nhiều hơn mức này tùy theo nhiệt độ, môi trường, tình trạng sức khỏe. Nhưng đây là mức được khuyến nghị.
Bé nên uống nước khi nào?
Chỉ cần lưu ý không nên uống nước trước khi ăn 30 phút vì làm mất cảm giác đói. Có thể uống trong khi ăn.
Loại nước tốt nhất là nước lọc hoặc trà không đường( trà hoa cúc, trà thì là). Nên thận trọng với các loại trà hòa tan dành cho em bé vì chúng thường chứa đường.
Bé nên uống nước từ bình hay từ cốc?
Trẻ từ 8 tháng tuổi đã có thể tập uống nước từ cốc với lượng nhỏ ban đầu. Vì vậy với trẻ từ 1 tuổi trở ra, khuyến khích bé uống nước từ cốc sẽ tốt hơn cho vấn đề răng miệng.
Nhu cầu về sữa và các sản phẩm từ sữa (Dùng sữa đúng cách cho trẻ từ 1 tuổi)
Ngày nay, hầu hết các cha mẹ đều ý thức được sữa cần thiết cho sự phát triển của trẻ nhỏ.
Sữa và các sản phẩm từ sữa cung cấp hầu hết các chất dinh dưỡng cần thiết cho trẻ như: canxi, photpho, magnesium, vitamin B12, vitamin D… Đặc biệt, nguồn canxi dồi dào từ sữa cần thiết cho sự hình thành và phát triển cứng cáp của xương và răng.
Nhưng dùng sữa như thế nào cho đúng và phát huy hiệu quả rất quan trọng, vì dùng sữa quá nhiều cũng có nhiều tác hại. Chẳng hạn như uống sữa quá nhiều sẽ cản trở sự hấp thụ sắt vì hàm lượng sắt trong sữa rất ít.
Đó là lý do mà bài viết này cung cấp các thông tin quan trọng giúp bạn dùng sữa cho trẻ đúng cách.
Nên sử dụng sữa nào cho trẻ?
Đọc thêm: 4 sai lầm sử dụng sữa không đem lại hiệu quả dinh dưỡng
Sữa tươi nguyên chất là tốt nhất cho trẻ
Nhiều trẻ không dễ dàng uống sữa, vì vậy các bà mẹ thường hay chọn những loại sữa có đường để trẻ dễ chấp nhận sữa hoặc mua theo những lời quảng cáo đường mật. Tuy nhiên, những gì tự nhiên luôn tốt nhất cho sức khỏe, vì vậy hãy cho trẻ làm quen với sữa nguyên chất ngay từ đầu
Ngoài ra, cho trẻ làm quen với các loại sữa có nhiều hương vị quá sớm sẽ khiến vị giác của trẻ phụ thuộc vào hương vị nhân tạo. Đây cũng là nguyên nhân khiến sữa nguyên chất trở lên vô vị với trẻ. Nếu đã quen với vị ngọt, trẻ sẽ không chịu uống nếu sữa không ngọt là đương nhiên.
Dựa trên đặc tính trẻ là thích ngọt, hãy áp dụng mẹo nhỏ là trộn thêm một chút trái cây nghiền vào sữa hoặc cũng có thể thêm chút bột ca cao hữu cơ sẽ hấp dẫn trẻ hơn và sữa nguyên chất sẽ có vị thú vị hơn. (Lưu ý chỉ sử dụng một lượng rất nhỏ để trẻ không bị phụ thuộc vào vị ngọt)
Các sản phẩm sữa dành riêng cho trẻ là không thực sự là cần thiết. Thực tế, các sản phẩm này còn có độ ngọt đáng kể hơn so với sữa thông thường. Chúng cũng thường có hương liệu. Nếu sử dụng quá thường xuyên, vị giác của trẻ cũng sẽ phụ thuộc vào hương liệu nhân tạo. Hãy là cha mẹ thông thái để không bị hấp dẫn bởi quảng cáo.
Hàm lượng chất béo trong sữa
Độ béo trong sữa không ảnh hưởng đến canxi trong sữa. Nhưng hàm lượng chất béo được khuyến nghị cho trẻ dưới 2 tuổi nên là sữa nguyên kem, từ 3 tuổi trở ra nên sử dụng sữa nguyên kem ít chất béo với hàm lượng chất béo là 1,5%.
Lượng sữa cho trẻ từ 1-3 tuổi trở không quá 300ml/ ngày. Áp dụng cho tất cả các sản phẩm từ sữa.
Cho bé uống sữa bao nhiêu là đủ?
Không biết sử dụng liều lượng bao nhiêu là đủ cũng là sai lầm phổ biến mà cha mẹ hay mắc phải. Phải uống sữa quá nhiều và liên tục khiến trẻ sợ uống.
Tuy nhiên, thay vì làm điều tồi tệ này, bạn hoàn toàn có thể điều chỉnh theo hướng dẫn dưới đây. Chắc chắn con bạn sẽ cảm ơn cha mẹ vì điều này:
Nên chia tổng lượng sữa làm 3 phần ăn mỗi ngày. Ví dụ bữa sáng ăn bánh mì + uống 1 phần sữa. Bữa trưa món ăn chính + thực phẩm chế biến có sử dụng sữa. Ví dụ món mỳ Ý rắc phô mai, cơm và các món sốt nấu cùng sữa…). Bữa tối bánh mì phết bơ…
Cách chia đều này rất quan trọng. Áp dụng đúng giúp trẻ tiêu thụ lượng sữa vừa đủ. Hấp thụ được nguồn dinh dưỡng tối đa từ sữa. Tránh được hiện tượng chán ăn và thừa chất từ sữa.
Kết luận
Trong đời sống hằng ngày, để định lượng và cân đo hàm lượng dinh dưỡng một cách chi tiết là thực sự không cần thiết và không thuận tiện. Những bữa ăn cân bằng và đa dạng luôn quan trọng nhất để trẻ và chúng ta có một cơ thể khỏe mạnh. Tuy nhiên, nắm được một vài thông tin cơ bản về nhu cầu dinh dưỡng cho trẻ cũng không có hại gì. Nó còn giúp bạn dễ dàng cân đối hơn trong bữa ăn cho trẻ hằng ngày.
Bài viết trên đây là những kiến thức tổng quan nhất về những nhóm dinh dưỡng cơ bản cần thiết cho trẻ. Hy vọng sẽ giúp ích cho bạn trong quá trình chăm sóc và nuôi con nhỏ. Nếu vẫn băn khoăn và cần được giải đáp, đừng ngần ngại để lại bình luận dưới bài viết nhé.
Leave a Comment